Ứng dụng AI để hỗ trợ bảo tồn loài vẹt mào hồng ở Australia

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland (QUT) của Australia đã triển khai dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cảm biến âm thanh sinh học để khảo sát hành vi và sự phân bố của loài vẹt mào hồng phương Đông (Eastern Pink Cockatoo), một loài đặc hữu của Australia gần đây được đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư Susan Fuller tại Trường Khoa học Môi trường và Sinh học thuộc QUT, cho biết nhằm tìm hiểu rõ hơn về hành vi sinh sản của loài vẹt mào hồng và các điều kiện sinh tồn của chúng, các nhà nghiên cứu đã triển khai các cảm biến âm thanh để xác định các khu vực tập trung hành vi “mời gọi” và làm tổ của loài này tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Bowra, gần thị trấn Cunnamulla của bang Queensland.

Kể từ tháng 5/2023, nhóm đã triển khai 22 cảm biến tại Khu bảo tồn Bowra trên 7 loại thảm thực vật khác nhau để giúp xác định vị trí các khu vực mà vẹt mào hồng đang sử dụng. Những cảm biến này hoạt động cùng với 4 cảm biến chạy bằng năng lượng Mặt Trời cố định, được Đài quan sát Âm thanh Australia lắp đặt trước đó để thu thập dữ liệu từ năm 2019.

Theo Giáo sư Fuller, mặc dù Chính phủ Australia đã đưa vẹt mào hồng vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng vào tháng 3/2023 nhưng không có nhiều thông tin về loài này ở bang Queensland. Với việc phát hiện các điểm sinh sản của vẹt mào hồng phương Đông, còn gọi là “hố rỗng”, đây là dấu hiệu đầy hứa hẹn rằng loài vẹt mào hồng đang sinh sản trong khu vực này. Ông tin rằng “chìa khóa” cho hoạt động bảo tồn là trước tiên phải hiểu được loài này, đặc biệt là chúng kiếm ăn ở đâu, chúng thích làm tổ ở những cây nào và chúng nuôi con non ở đâu.

Chuyên gia trên cho biết tỷ lệ những cây già có thân rỗng giảm mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nguy cấp của loài vẹt độc đáo này. Theo dữ liệu thống kê trong 4 năm qua, hơn 450.000 ha đất đã bị giải phóng chỉ riêng trong vùng Mulga Lands ở phía Đông của Australia. Việc hạn chế trong tiếp cận các hốc cây để làm tổ khiến loài vẹt mào hồng phải cạnh tranh với các loài chim khác như chim két Galah. Ông cho rằng việc sử dụng AI và công nghệ âm thanh sinh học đã giúp các nhà nghiên cứu động vật hoang dã ở Australia có điều kiện triển khai hoạt động nghiên cứu hiệu quả hơn bằng cách giảm thiểu việc phải có mặt trực tiếp và kiểm tra thủ công hơn 35.000 giờ ghi âm.

Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu âm thanh trong mùa sinh sản và những tháng tới để hiểu rõ hơn về cách sử dụng môi trường sống của loài chim này thay đổi theo thời gian.

Tiến sĩ Helena Stokes, nhà sinh thái động vật hoang dã thuộc Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Australia (AWC), cho biết những tiến bộ trong công nghệ AI, âm thanh sinh học và máy ảnh hỗ trợ đáng kể khả năng tìm hiểu và giám sát các loài của Australia, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. AWC đang có kế hoạch tương tự để triển khai máy ghi âm và camera sử dụng AI để thu thập và phân tích dữ liệu ở các xa xôi phía Tây bang Queensland nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phân bố và hành vi của các loài bị đe dọa, đặc biệt là các loài lang thang ở đồng bằng, chẳng hạn như loài chuột đất Bilby và loài Kowari (thú có túi ăn thịt nhỏ), đồng thời theo dõi mèo, cáo, chó dingo, tỷ lệ chăn thả động vật, thảm thực vật và điều kiện đất đai trong khu vực.

Lê Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm