Triển vọng từ mô hình trồng dưa lưới nhà màn ở huyện vùng cao Sơn Hà

Triển vọng từ mô hình trồng dưa lưới nhà màn ở huyện vùng cao Sơn Hà

Sau thành công trong việc đưa hàng loạt sản phẩm bản địa như ớt xiêm rừng, dưa leo, gà kiến, rau dớn, rau ngót rừng...vào bày bán tại 18 siêu thị Big C ở miền Trung và miền Nam, góp phần tạo thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, ngành chức năng huyện vùng cao Sơn Hà (Quảng Ngãi) đang tiếp tục triển khai trồng thí điểm mô hình dưa lưới nhà màn nhằm tìm ra những giống cây mới, lạ, cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng dưa lưới nhà màn được Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Hà thực hiện vào giữa tháng 6/2020 tại xã Sơn Bao, trên phần diện tích hơn 400m2, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng.

Dưa lưới nhà màn được trồng theo công nghệ cao, được lắp đặt hệ thống tưới phun nhỏ giọt, quạt thông gió, sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học thay thế cho thuốc hóa học để đảm bảo chất lượng quả sau thu hoạch.

Ông Phạm Lực, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Hà cho hay, Trung tâm sử dụng thành phần chính là xơ dừa, trùn quế để nuôi dưỡng cây dưa lưới. Trung tâm xử lý chúng bằng trichoderma trước khi cho vào túi bầu.

Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên cây dưa lưới sinh trưởng, phát triển tốt. Không những thế, khi trồng trong môi trường nhà màn, cây dưa được kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, khống chế được sâu bệnh, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt ở vùng cao.

Chỉ sau 65 ngày chăm sóc, 720 gốc đã cho lứa quả đầu tiên với năng suất cao, đạt tỷ lệ gần 100%. Trọng lượng bình quân đạt 2,2kg đối với giống dưa lưới Kim Long và 1,4 kg đối với giống Chu Phấn. “Với giá bán trên thị trường hiện tại ở mức 45.000 đồng/kg, nếu bán hết số dưa này, trừ đi chi phí, Trung tâm thu về hơn 42 triệu đồng/vụ”- ông Lực phấn khởi.

Theo ông Phùng Tô Long, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, thông tin mô hình đã đáp ứng sự kỳ vọng lớn lao của chính quyền địa phương trong việc nỗ lực tìm hướng đi mới, xóa đói giảm nghèo bền vững, bởi hiện nay 80% dân số trên địa bàn huyện là người đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng cây dưa lưới trong nhà màn tới các hộ dân có nhu cầu, điều kiện phát triển và tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện trong thời gian tới.

“Chúng tôi cũng đã ký kết với Big C trong việc bao tiêu sản phẩm này nên người trồng không phải lo đầu ra, yên tâm đầu tư, sản xuất” - ông Long nói.

Dưa lưới có nguồn gốc từ châu Phi và Ấn Độ, cung cấp rất nhiều tiền vitamin A, vitamin C, các loại dinh dưỡng như vitamin E cũng như axit folic. Đây là những chất chống oxy hóa quan trọng trong quá trình biến dưỡng dinh dưỡng của con người giúp phòng chống ung thư và tăng cường hoạt động miễn dịch.

Ngoài ra, dưa lưới còn có tác dụng nhuận trường, chống táo bón; cải thiện được tình trạng khó thở , giảm được sự mệt mỏi, chữa được chứng mất ngủ; ngăn ngừa chứng loãng xương; rất có lợi cho phụ nữ mang thai…

Hơn nữa, dưa lưới sinh trưởng khỏe, khả năng phân nhánh nhiều, thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam nên được chọn trồng phổ biến.


Lê Ngọc Phước

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm