Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy đảng tỉnh Kiên Giang đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua đó giúp cho hàng chục nghìn gia đình được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để tham gia lao động sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
* Đời sống đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng
Ông Nguyễn Thành Đô, Giám đốc Hợp tác xã xoài cát hòa lộc Hòn Đất, huyện Hòn Đất cho biết, hợp tác xã hiện có 151 thành viên; trong đó, có 141 thành viên trồng xoài đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh với tổng diện tích 431ha. Trước đây, Hợp tác xã có hơn 10 thành viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo, thế nhưng đến nay, 100% thành viên hợp tác xã không có hộ nghèo, cận nghèo.
Theo ông Đô, tham gia vào hợp tác xã, bên cạnh được chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu nông sản, 141 thành viên hợp tác xã trồng xoài cát hòa lộc còn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư tiền mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Nhờ đó, đa số các thành viên sản xuất hiệu quả, lợi nhuận khá từ mô hình và đời sống không ngừng đổi thay phát triển.
“141 thành viên của hợp tác xã vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội gần 6 tỷ đồng để trồng xoài cát hòa lộc và trong 4 năm nay một số hộ đã trả xong tiền vay, một số hộ còn lại thực hiện trả gốc, lãi đúng kế hoạch. Trung bình mỗi thành viên hợp tác xã thu nhập từ 200 triệu - 500 triệu đồng/năm (tùy theo diện tích sản xuất), hơn 70% thành viên thuộc hộ giàu khá, còn lại là hộ có mức sống trung bình. Có được sự đổi thay, phát triển này chính là nhờ chúng tôi được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với lãi suất thấp và phương thức thanh toán linh hoạt”, ông Nguyễn Thành Đô nói.Là một trong những hộ tiêu biểu về ý chí vươn lên thoát nghèo ở ấp Hòn Me, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, bà Nguyễn Thị Lan (thành viên Hợp tác xã trồng xoài cát hòa lộc Hòn Đất) cho biết, những năm gần đây gia đình đã khấm khá và 4 người con đều có việc làm ổn định. Bà Lan cho biết, từ năm 2010 đến năm 2016, gia đình bà thuộc hộ nghèo, phải chạy ăn từng bữa nên định cho các con nghỉ học để đi làm phụ lo cho gia đình. Thế nhưng sau đó, bà Lan được tư vấn vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội cho các con học đại học, trung cấp; đồng thời vay vốn nuôi bò, trồng xoài cát hòa lộc, nhờ đó kinh tế gia đình phát triển dần cho đến nay.
“Nếu không có những khoản vay trên có lẽ vợ chồng tôi cùng các con đã phải rời quê đi làm công nhân và những khoản nợ trước đây không thể trả được. Gia đình tôi luôn nhớ ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách vay vốn ưu đãi dành cho các hộ gia đình yếu thế”, bà Lan chia sẻ.
Cũng vươn lên từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Nguyễn Thị Quẩn, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng chia sẻ. Trước đây, chị làm lao động tự do ở thành phố Cần Thơ. Đến năm 2021, sau khi ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Quẩn bị thất nghiệp và trở về quê sinh sống. Đầu năm 2022, chị Quẩn muốn khởi nghiệp bằng việc sản xuất bán chuối và dứa sấy khô, tuy nhiên do không đủ vốn nên chị đã tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội vay 70 triệu đồng để mua máy sấy chuối và dứa.
“Nhờ vay được 70 triệu đồng và một ít tiền tôi tích lũy được khi đi làm ở Cần Thơ, tôi mua được 2 máy sấy và còn một số vốn mua nguyên liệu là dứa và chuối để sấy bán. Qua hơn 2 năm mở rộng thị trường, đến nay mặt hàng chuối và dứa sấy khô của tôi không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh lân cận Kiên Giang mà bán đến nhiều tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội”, chị Quẩn nói.
Là huyện biên giới của tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm tỉnh hơn 130 km, Giang Thành trước đây là huyện có điều kiện kinh tế khó khăn. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, những năm gần đây diện mạo nông thôn của huyện đổi thay mạnh mẽ.
Giai đoạn 2014-2024, Giang Thành có hơn 24 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với doanh số cho vay trên 765 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt gần 370 tỷ đồng.
“Tín dụng chính sách đã giúp hơn một ngàn lượt hộ thoát nghèo, tao việc làm cho 1.400 lao động tại chỗ và 5 lao động làm việc tại nước ngoài; giúp trang trải chi phí học tập cho 425 sinh viên; xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trên 16 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường”, Bí thư huyện Giang Thành Ong Văn Ngay nhấn mạnh.
* Đảm bảo nguồn vốn vay đúng đối tượng
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh đạt trên 6.100 tỷ đồng, tăng hơn 3.930 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ năm 2014 đến nay đã giúp cho trên 408.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Qua đó, giúp trên 59.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 47.000 lao động; giúp 505 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 18.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 290.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn.
Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội đạt kết quả hơn trong thời gian tới theo ông Đoàn Công Thiệt, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Kiên Giang cho biết, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Kiên giang nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội: chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả.
Tỉnh nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.
Văn Sĩ