Vốn tín dụng chính sách sát cánh cùng người dân

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), tỉnh Tuyên Quang luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn ngày càng phát huy hiệu quả, nguồn vốn được đưa đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội…

Tạo sinh kế cho người dân

Với sự hỗ trợ từ nguồn tín dụng chính sách, từ một quầy tạp hóa nhỏ, chị Hà Thị Toán, dân tộc Tày, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã có cửa hàng rộng rãi với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân quanh vùng. Chị Hà Thị Toán chia sẻ, chị không có vốn, hàng hóa ít, buôn bán cũng bấp bênh nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

vna_potal_tuyen_quang_giam_ngheo_ben_vung_tu_nguon_von_tin_dung_chinh_sach_7490724.jpg
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương giao dịch tại xã Vĩnh Lợi. Ảnh tư liệu: Hoàng Hải - TTXVN

Nắm bắt được thông tin từ Hội Phụ nữ xã Xuân Quang, chị Toán mạnh dạn làm đơn đăng ký vay vốn tín dụng chính sách để làm ăn. Qua bình xét, chị Toán được vay 50 triệu đồng từ “Chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn” của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chị Toán sử dụng để mở rộng cửa hàng và mua máy khâu phục vụ nhu cầu may mặc của người dân, bán thêm quần áo may sẵn, nguyên vật liệu, đồ gia dụng... Nhờ đa dạng các mặt hàng nên cửa hàng của chị Hà Thị Toán ngày càng đông khách, kinh doanh ổn định, cuộc sống gia đình cũng nhờ đó mà có của ăn, của để và có thêm điều kiện cho con cái học hành.

Gia đình ông Lưu Văn Quế thuộc hộ cận nghèo của thôn Ngầu 2, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa. Với mong muốn cho con đi xuất khẩu lao động, nhưng do chi phí xuất cảnh cao, gia đình không có điều kiện lo liệu. Thông qua “Chương trình tín dụng cho vay xuất khẩu lao động” của Ngân hàng chính sách xã hội, tháng 1/2024, con trai ông đã được vay 100 triệu đồng để ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc.

Theo ông Quế, nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách mà gia đình ông giảm bớt được nỗi lo tài chính khi cho con đi xuất khẩu lao động, Hiện tại, con trai đã được thu xếp công viêc và chỗ ở ổn định. Hai tháng nay, trừ chi phí sinh hoạt, con trai ông cũng đã dành dụm gửi được tiền về để gia đình chi trả khoản vay ngân hàng và phụ giúp sinh hoạt.

Bà Hà Thị Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thực hiện Chỉ thị 40, huyện đã phối hợp lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho con em trên địa bàn. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, huyện Chiêm Hóa đã giải ngân gần 1.600 tỷ đồng cho trên 50.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 729 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách tạo điều kiện cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách ổn định nơi ở, học tập, lao động, phát triển sản xuất, góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện giảm từ 1,5 - 2%.

Giảm nghèo bền vững

Gia đình chị Nguyễn Thị Lụa, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương được biết đến là cơ sở phân phối gà thịt uy tín ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị Nguyễn Thị Lụa chia sẻ, cơ ngơi có được như ngày hôm nay là nhờ những đồng vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ kịp thời trong lúc gia đình chật vật lo vốn làm ăn.

Trước kia, gia đình chị có 1 chuồng nuôi gần 500 con gà thịt, chủ yếu bán cho bà con trong xã. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường, chị Lụa bàn với gia đình mở rộng quy mô, nuôi thêm gà thịt. Chị đăng ký vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Dương để đầu tư mở rộng chuồng trại.

Qua bình xét, chị được vay 70 triệu đồng từ “Chương trình cho vay giải quyết việc làm” của Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với số vốn liếng và vay mượn người thân, gia đình chị Lụa xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, gia đình chị có 5 chuồng nuôi với gần 10.000 con gà thịt. Cứ khoảng 4 tháng, chị Lụa lại xuất 1 lứa gà đi các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, với giá bán từ 48 – 50.000 đồng/kg, thu về trên 120 triệu đồng.

Cũng tại xã Hợp Thành, huyện sơn Dương, nhận thấy cây chuối tiêu hồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, năm 2023, ông Đặng Văn Minh, thôn Cầu Trắng đã trồng thử nghiệm 100 cây chuối tiêu hồng tại vườn đồi của gia đình. Nhận thấy cây hợp đất, phát triển tốt, tiêu thụ cũng dễ, ông Minh mạnh dạn vay 35 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để trồng thêm chuối tiêu hồng.

Hiện tại, gia đình ông có gần 3.000 gốc chuối tiêu hồng, dự kiến cho thu hoạch vào cuối năm nay. Đồng thời, nguồn lá chuối cũng được ông sử dụng làm thức ăn cho 2 ao cá của gia đình. Giờ đây, mô hình trang trại tổng hợp không chỉ giúp ông phát triển kinh tế gia đình mà còn là địa chỉ để nhiều người trong và ngoài thôn đến học hỏi kinh nghiệm.

Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho hay, thời gian qua, huyện Sơn Dương luôn chủ động cân đối và tích cực huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị 40, huyện đã chuyển trên 7, 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của huyện, ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, đến ngày 30/6/2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương đã và đang triển khai thực hiện cho vay 21 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt trên 858 tỷ đồng với trên 20.000 hộ vay còn dư nợ, tăng trên 543 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, theo bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang, để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện thường xuyên, liên tục.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến nhân dân cần được quan tâm, đẩy mạnh; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng chính sách; chú trọng động viên, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từ đó chủ động vươn lên thoát nghèo và làm chủ cuộc sống.

Cùng với đó, việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội phải gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, phương tiện, nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả của các chương trình tín dụng. Cùng đó, tập trung các nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo đảm cấp bù lãi suất, chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội…

Hoàng Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm