Đòn bẩy từ tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội ở Kon Tum

Ngày 16/7, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội".

vna_potal_don_bay_tu_nguon_von_tin_dung_chinh_sach_trong_phat_trien_kinh_te-xa_hoi_7484819.jpg
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Phát biểu khai mạc sự kiện, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Kon Tum trong việc triển khai có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Điều này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến rộng khắp chương trình tín dụng chính sách đến người dân phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đề nghị, thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần nhìn nhận, đánh giá những mặt còn hạn chế để đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách; lồng ghép các hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư phát triển tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách để góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần đảm bảo tính hiệu quả khi triển khai chương trình tín dụng chính sách đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

vna_potal_don_bay_tu_nguon_von_tin_dung_chinh_sach_trong_phat_trien_kinh_te-xa_hoi_7484826.jpg
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trao tặng Bằng khen cho 3 tập thể có nhiều thành tích trong chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy Kon Tum đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Hiệu quả cho thấy, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ngày càng triển khai sâu rộng với 102 điểm giao dịch xã, hình thành 1.716 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, tổ dân phố, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Hiện, toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 4.625 tỷ đồng, tăng 3.185 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt 22,1%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 431.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, hạn chế hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.

vna_potal_don_bay_tu_nguon_von_tin_dung_chinh_sach_trong_phat_trien_kinh_te-xa_hoi_7484827.jpg
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trao tặng Bằng khen cho 4 cá nhân có nhiều thành tích trong chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Bên cạnh việc tranh thủ tối đa nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ Trung ương chuyển về, Tỉnh ủy Kon Tum đã quan tâm chỉ đạo bố trí ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 229,3 tỷ đồng, tăng 220,8 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận, ý kiến, đóng góp nhằm phân tích, làm rõ những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp, cách làm hay về góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum A Pớt cho biết, thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục cân đối nguồn vốn ngân sách hợp lý ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay; huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án, tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội và tình hình sử dụng vốn vay; làm tốt việc tuyên truyền tín dụng chính sách, việc bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn đoàn viên, hội viên sử dụng vốn vay có hiệu quả và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình tiên tiến.

vna_potal_don_bay_tu_nguon_von_tin_dung_chinh_sach_trong_phat_trien_kinh_te-xa_hoi_7484821.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum A Pớt phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã trao tặng bằng khen cho 3 tập thể, 4 cá nhân; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng giấy khen cho 9 tập thể, 8 cá nhân có nhiều thành tích trong chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm