Chỉ thị số 40-CT/TW: Bước đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Sau gần 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Nghệ An; qua đó đáp ứng nhu cầu vay vốn của gần 730.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Là một trong những huyện thực hiện tốt nhất Chỉ thị 40-CT/TW, trong 10 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quỳnh Lưu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

vna_potal_chi_thi_so_40-cttw_buoc_dot_pha_trong_thuc_hien_tin_dung_chinh_sach_xa_hoi_o_nghe_an_7468143.jpg
Được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn tín dụng gia đình chị Hồ Thị Thùy Dung (áo xanh ngoài cùng bên phải) xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu mạnh dạn triển khai mô hình trồng bưởi mang lại thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Huyện Quỳnh Lưu cũng quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; cử Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện, đồng thời thực hiện lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển công tác giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm cho con em trên địa bàn...

Ông Nguyễn Quý Thái, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quỳnh Lưu cho biết, qua 10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tín dụng chính sách xã hội. Huyện cũng ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách chuyển cho Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai trên địa bàn. Qua đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quỳnh Lưu đã giải ngân trên 1.540 tỷ đồng với 60.796 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Với kết quả đó, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

vna_potal_chi_thi_so_40-cttw_buoc_dot_pha_trong_thuc_hien_tin_dung_chinh_sach_xa_hoi_o_nghe_an_7468144.jpg
Được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn tín dụng gia đình chị Hồ Thị Thùy Dung (áo xanh) xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu mạnh dạn triển khai mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Là hộ cận nghèo ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, gia đình chị Hồ Thị Thùy Dung quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn không thoát nghèo. Năm 2021, được sự tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn của tổ phụ nữ xóm 2, xã Ngọc Sơn về việc vay vốn của ngân hàng chính sách, vợ chồng chị Dung đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn trên cộng với vay mượn của anh em bạn bè, gia đình và các nguồn vốn vay khác, gia đình chị Dung đã trồng trên 100 cây bưởi và nuôi 20 con dê.

Chị Dung cho biết, những ngày đầu, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn từ việc chọn cây, con giống cho đến lúc xuất bán. Chị được các cán bộ ngân hàng chính sách trong xã, huyện, các tổ chức đoàn thể hướng dẫn nơi mua con giống, cây giống có uy tín; cung cấp tài liệu cách thức nuôi trồng để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên trong xóm cũng hỗ trợ ngày công trong việc cải tạo vườn tạp nên gia đình đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất. Đến nay, vườn bưởi của gia đình đã bắt đầu cho quả, đàn dê cũng xuất bán được 3 lứa. Khu trang trại của gia đình đã tạo được việc làm cho 2 lao động trong thôn với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Chuyển biến nhận thức và cách làm ăn

Tại huyện miền núi Quỳ Châu, để hỗ trợ người dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quỳ Châu và cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương thông qua vay vốn tín dụng ưu đãi. Doanh số cho vay của Ngân hàng giai đoạn 2014 - 2024 đạt 442 tỷ đồng, giúp 8.093 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, giúp cho 1.423 hộ thoát nghèo, trên 4.000 hộ nghèo đã chuyển biến nhận thức và cách làm ăn, 127 học sinh, viên sinh có cơ hội học tập...

vna_potal_chi_thi_so_40-cttw_buoc_dot_pha_trong_thuc_hien_tin_dung_chinh_sach_xa_hoi_o_nghe_an_7468142.jpg
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quỳnh Lưu đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng với hơn 60.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Ông Lô Thanh Luận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Châu cho biết: Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách tín dụng, Huyện ủy Quỳ Châu sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Chỉ thị số 40-CT/TW nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của cán bộ, đảng viên. Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu có sử dụng hiệu quả từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội để khích lệ và thay đổi tư duy, nhận thức trông chờ ỷ lại của người dân, đồng thời hạn chế được việc cho vay nặng lãi, tín dụng đen; qua đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

vna_potal_chi_thi_so_40-cttw_buoc_dot_pha_trong_thuc_hien_tin_dung_chinh_sach_xa_hoi_o_nghe_an_7468163.jpg
Mô hình nuôi bò thịt giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu thoát nghèo. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Nhiều năm qua, gia đình ông Lê Viết Thành, Bản Đồng Cọng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu bị cái nghèo, cái đói đeo đuổi. Được sự giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và được sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quỳ Châu, gia đình ông Thành đã xây dựng trang trại chăn nuôi lợn đen, lợn rừng lai dưới tán rừng. Với nguồn vốn được hỗ trợ 100 triệu đồng, trang trại chăn nuôi của ông Thành phát triển tốt. Đến nay, tổng đàn đã tăng lên hơn 300 con gồm lợn đen địa phương và lợn rừng lai. Hàng năm, gia đình ông đều có lợn xuất bán ổn định, cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm.

Đưa Chỉ thị vào cuộc sống

Việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW không chỉ giúp người dân ở 2 địa phương kể trên thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu, mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng thành công khi đưa Chỉ thị vào cuộc sống. Qua 10 năm, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An đạt 26.779 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã cấp vốn cho 726.781 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhờ đó đã giúp 120.041 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 18.851 học sinh, sinh viên là con em gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn về tài chính được hỗ trợ tiền để đóng học phí, không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí....

Ông Hoàng Sơn Lam, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Để thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho chính quyền các cấp để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nghệ An cũng phối hợp tốt hơn, có thực chất hơn với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, đặc biệt là các tổ chức xã hội nhận ủy thác các cấp để cùng tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Trong công tác triển khai nội tại của chi nhánh, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.

vna_potal_chi_thi_so_40-cttw_buoc_dot_pha_trong_thuc_hien_tin_dung_chinh_sach_xa_hoi_o_nghe_an_7468159 (1).jpg
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quỳnh Lưu đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng với hơn 60.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Có thể nói, với sự quan tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, nhất là sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân biết cách sản xuất kinh doanh, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Duy Hưng-Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm