Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Đắk Lắk

Ngày 26/6, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

vna_potal_tang_cuong_su_lanh_dao_cua_dang_doi_voi_tin_dung_chinh_sach_xa_hoi_tren_dia_ban_tinh_dak_lak_7450819.jpg
UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Ngày 26/6, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Đắk Lắk, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ năm 2014 đến nay đạt hơn 14.943 tỷ đồng, với trên 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt gần 10.183 tỷ đồng.

Đến 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 7.745 tỷ đồng, tăng 4.744 tỷ đồng so với năm 2014, với hơn 169 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt gần 46 triệu đồng, tăng 28 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 184/184 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, tổ dân phố, giúp hàng nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động (436 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 66 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng gần 445 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP, hơn 4,8 nghìn hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn.

Việc thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp 78 xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,15%, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đều tăng qua các năm.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai một cách sâu rộng các chương trình cho vay ưu đãi, mở rộng đối tượng hưởng lợi, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội cũng được nâng lên.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp, mặt trận và các tổ chức, đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt tinh thần chỉ đạo Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW; Quyết định số 1630/QĐ-TTg; xác định chỉ đạo, lãnh đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; quan tâm bố trí ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách, phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 15% trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và trách nhiệm thực hiện, phối hợp của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong lĩnh vực này...

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao Bằng khen cho 15 tập thể và 15 cá nhân; Ngân hàng Chính sách xã hội đã trao nhiều giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở địa phương.

Anh Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm