Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách để hỗ trợ tốt nhất cho người dân

Chiều 24/7, Ban thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Phú Thọ và Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40).

vna_potal_dong_thap_tong_ket_10_nam_thuc_hien_chi_thi_so_40-cttw_cua_ban_bi_thu_7499335.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

* Khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Kết luận số 06), hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt hàng năm ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng hơn 113% so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn địa phương ủy thác qua ngân hàng là gần 137 tỷ đồng, tăng 118 tỷ đồng so với năm 2014. Từ nguồn vốn vay đã giúp 336.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; trên 48.000 lượt hộ thoát nghèo; gần 24.000 lao động có việc làm thường xuyên; gần 4.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, nhà ở xã hội được sửa chữa, cải tạo, xây mới, giúp an cư, lạc nghiệp... Kết quả này đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; là giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế.Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Phùng Khánh Tài và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng lưu ý, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách để tiết kiệm thời gian, tiền bạc của người dân khi tiếp cận hồ sơ, giải ngân vốn...

Giai đoạn tiếp theo, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị số 40 và Kết luận 06; tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề. Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy hơn nữa vai trò trong thực hiện chính sách tín dụng, chú trọng thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả phương thức ủy thác cho vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, huyện tiếp tục tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; đáp ứng nhu cầu vốn vay, giúp các đối tượng chính sách có thêm điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Dịp này, Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam trao tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo tỉnh Phú Thọ.

* Chỉ thị số 40-CT/TW là giải pháp đúng đắn, mang tính đột phá

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng khẳng định, Chỉ thị số 40 là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là tạo nguồn lực phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn những tác động tiêu cực của tín dụng đen. Đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt trên 68,4 triệu đồng, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Toàn tỉnh có 115/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại Đồng Tháp, đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 685 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn được ủy thác từ ngân sách tỉnh, 12/12 huyện, thành phố của tỉnh quan tâm bố trí ngân sách cấp huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo cơ hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh.

10 năm qua, Đồng Tháp có gần 859.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền trên 14 nghìn tỷ đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,51% (giảm hơn 4% so với năm 2014). Đến cuối tháng 6/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đang quản lý và triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng, tổng dư nợ trên 5.412 tỷ đồng, với gần 153 nghìn khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng luôn được duy trì tốt, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,4% tổng dư nợ.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó, hàng năm quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. UBND các cấp cần thực hiện tốt việc điều tra, xác định các đối tượng, làm cơ sở để Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay…

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và Giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Toàn Đức - Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm