Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được "phủ sóng" đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
Điển hình như gia đình chị Hồ Thị Danh (người K' Dong) ở thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Năm 2010 - 2011, với số vốn ban đầu 25 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Danh dùng để trồng keo. Sau 4 năm keo cho thu hoạch, chị đã trả được nợ ngân hàng và còn cả tiền làm vốn nuôi lợn. Dần dần đàn lợn lên tới 50 con và đến năm 2018 gia đình chị đã thoát nghèo.
Chị Danh chia sẻ, nếu không có vốn chính sách vợ chồng tôi không biết xoay đâu ra tiền để làm kinh tế. Bởi năm 2007 mới lập gia đình chỉ có hai bàn tay trắng, may mắn được Hội liên hiệp phụ nữ thôn làm cầu nối tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thực tế cho thấy, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải quyết được những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giúp họ dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn học tập cách làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như năng lực quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 56.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 39,3 triệu đồng, trong khi bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng. Dư nợ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Dư nợ bình quân một xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, các chương trình cho vay đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương. Đặc biệt, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội nhấn mạnh, gần 20 năm qua, tín dụng chính sách đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo; trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 165 nghìn lao động. Đồng thời, trên 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cũng như trên 216 nghìn căn nhà ở cho hộ đồng bào.
Ông Hoàng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc khẳng định, quy mô dư nợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số tăng trưởng ấn tượng thể hiện nguồn vốn tín dụng được đưa tới tay hộ dân tộc thiểu số nghèo ngày càng nhiều trong cả nước. Qua đó, giúp đồng bào phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương để từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế. Mặc dù quy mô tín dụng tăng, nhưng chất lượng tín dụng vẫn được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, luôn duy trì ở mức dưới 2%. Điều đó cho thấy khả năng sử dụng vốn của đồng bào dân tộc thiểu số tương đối hiệu quả, vốn vay luôn được hoàn trả đúng hạn.
Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc đề nghị Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và ban hành Nghị định về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình này đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, quy định rõ nguồn vốn tín dụng chính sách được cấp từ ngân sách nhà nước để Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận định, mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất và là “lõi nghèo của cả nước”. Trong giai đoạn 2021 - 2030, cần tiếp tục quan tâm với các chủ trương, chính sách tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi.
Ông Hà Ngọc Chiến đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước dành cho tín dụng chính sách xã hội thực hiện Chương trình mục tiêu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Trong giai đoạn mới, chính sách tín dụng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần có nhiều đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đỗ Huyền