Những năm gần đây, “tín dụng đen” nổi lên như một tệ nạn ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Các đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng là những hộ gia đình có điều kiện khó khăn song cần tiền khẩn cấp để chữa bệnh hoặc trường hợp phát sinh đột xuất trong cuộc sống.
Nắm bắt được vấn đề này, tháng 2/2020, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Đặc biệt, Kon Tum là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện đề án này.
Gia đình ba người của chị Phạm Thị Tiếng (dân tộc Thái, sinh năm 1975, thôn Măng Tôn, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) từ nhiều năm nay vẫn phải ở trong một căn nhà nhỏ, không có nhiều tài sản đáng giá. Tai ương cứ nối nhau ập đến, khiến kinh tế của gia đình không thể khởi sắc. Nếu như người con trai duy nhất trong gia đình vừa bị gãy chân, cùng với bệnh da liễu từ nhỏ thì cuối năm 2020, chồng chị Tiếng là anh Đinh Văn Thìn (dân tộc Mường, sinh năm 1969) lại bị tai nạn xe máy. Vụ tai nạn đã khiến anh bị liệt hoàn toàn một bên người. Sau khi thăm khám, các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã chỉ định phải phẫu thuật. Thế nhưng, gia cảnh quá khó khăn khiến chị Tiếng không biết xoay xở như thế nào để có tiền chữa bệnh cho chồng.
Giữa lúc cấp bách ấy, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Măng Tôn, chị Tiếng biết được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum có gói cho vay theo diện Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang. Chị đã nhanh chóng liên hệ và được cán bộ tín dụng hỗ trợ làm thủ tục, hồ sơ xin vay. Chỉ trong vòng 24 giờ, chị đã nhận được số tiền 30 triệu đồng để đưa chồng đi phẫu thuật.
“Lúc đấy, mình túng quẫn lắm vì không biết lấy đâu ra tiền để phẫu thuật cho chồng. Bà con, anh em, họ hàng đều ở xa, mà vay bên ngoài thì lãi cao quá, sợ trả không nổi. May mắn là có gói vay tiêu dùng của ngân hàng chính sách nên chồng mình đã được phẫu thuật thành công. Bây giờ, chồng mình đã khỏe, đi lại bình thường, làm được một số công việc nhẹ trong nhà, cả gia đình đều vui mừng”, chị Tiếng tâm sự.
Bà Võ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y cho biết, trên địa bàn xã có 11 hộ vay vốn tín dụng chính sách theo diện vay tiêu dùng, với tổng số dư nợ 260 triệu đồng. Đa số các hộ vay vốn theo gói tín dụng này đều thuộc nhóm hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình, phục vụ chủ yếu cho việc khám, chữa bệnh hoặc tai nạn. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, làng, các hộ dân cần tiền khẩn cấp sẽ viết đơn đề nghị, chính quyền địa phương cũng nhanh chóng xác minh và xác nhận đơn để người dân được thuận lợi trong việc vay vốn.
“Bà con nhân dân trên địa bàn rất vui mừng, phấn khởi khi biết được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có gói vay vốn tiêu dùng này. Thông qua đó, bà con nhân dân đã có nguồn vốn vay khẩn cấp mỗi khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, không phải đi vay nóng với lãi suất cao, nhất là đối với địa phương khu vực biên giới, có 17 dân tộc cùng sinh sống như Pờ Y”, bà Võ Thị Thu Hà chia sẻ.
Trong khi đó, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum hiện có 31 hộ gia đình vay vốn tín dụng chính sách theo diện đề án cho vay tiêu dùng, với tổng dư nợ 810 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Lương (sinh năm 1993, trú thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà) cho biết, con của anh bị bệnh tim bẩm sinh. Tháng 9/2020, khi bé được hai tháng tuổi đã bị đau, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu. Sau đó, bé tiếp tục được chuyển xuống Thành phố Hồ Chí Minh để được phẫu thuật tim. Mới ra ở riêng, vợ chồng anh phải ở tạm trong căn nhà rộng khoảng 40m2, cùng với 0,5ha cà phê, song không đủ để lo chi phí phẫu thuật cho con.
Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọc, anh đã làm thủ tục để vay 30 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo diện đề án cho vay tiêu dùng. Cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị, đoàn thể trong xã, số tiền trên đã giúp gia đình anh có đủ nguồn tài chính để phẫu thuật tim cho con. Giờ đây, dù bé vẫn chưa hoàn toàn khỏi bệnh, cần phải phẫu thuật thêm, song nhờ số tiền vay được của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, gia đình anh Lương đã có thêm động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bà Đoàn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ngọc cho biết, toàn xã có 12 hộ vay vốn tín dụng chính sách theo diện đề án cho vay tiêu dùng, với tổng dư nợ 360 triệu đồng. Các hộ dân vay vốn đều thuộc diện cần tiền khẩn cấp, ốm đau, bệnh tật, có điều kiện kinh tế, hoàn cảnh rất khó khăn. Qua việc tiếp cận được nguồn vốn này, bà con nhân dân trên địa bàn xã đã giảm được tình trạng vay nóng, vay nặng lãi, tình trạng “tín dụng đen” đã không còn xảy ra.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum, qua một năm triển khai, toàn tỉnh đã có 99 hộ gia đình vay vốn theo Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ trên 2,66 tỷ đồng. Đối tượng vay là hộ có mức sống trung bình, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đến cuối tháng 2/2021, đã có 5 hộ trả nợ với số tiền 140 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, Đề án cho vay tiêu dùng là chương trình đặc thù, có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, xã hội; là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh và cả hệ thống chính trị. Qua 1 năm triển khai thực hiện, Đề án cho vay tiêu dùng đã đi vào cuộc sống, đạt được hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và được nhân dân đồng tình ủng hộ, giúp cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương và cùng chung sức xây dựng, phát triển địa phương ngày càng vững mạnh.
Việc thực hiện Đề án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm cho hộ vay giảm bớt khó khăn khi gặp biến cố trong cuộc sống, cần chi phí để chi trả ngay. Là tỉnh đầu tiên thực hiện đề án này, song nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền nên đã tác động đến hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, nhân dân trên địa bàn tỉnh biết được việc địa phương đã ban hành chính sách cho vay tiêu dùng để các đối tượng chính sách được vay vốn khi có nhu cầu, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay một số xã, phường triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa thực hiện hiệu quả tuyên truyền để người dân nắm bắt thực hiện; một số xã còn lúng túng trong việc rà soát, xác nhận đối tượng thụ hưởng, nhất là hộ có mức sống trung bình. Điều này phần nào đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn vay.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, cấp huyện bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội để cho vay, đảm bảo các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là phát hành tờ rơi đến tận thôn, làng, tổ dân phố Đề án cho vay tiêu dùng để nhân dân nắm bắt và thực hiện, ông Nguyễn Văn Chung thông tin.
Dư Toán