Trà Vinh khuyến khích nông dân giảm lúa vụ 3

Nông dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang xuống giống mướp đắng vụ Hè Thu năm 2022. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN
Nông dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang xuống giống mướp đắng vụ Hè Thu năm 2022. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang yêu cầu chính quyền các địa trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân cắt giảm gieo trồng vụ lúa Đông Xuân, lúa Hè Thu sớm (vụ 3) trên những diện tích đất gò cao thiếu nguồn nước tưới, chuyển sang trồng các loại rau màu thực phẩm.

Trà Vinh khuyến khích nông dân giảm lúa vụ 3 ảnh 1 Nông dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang xuống giống mướp đắng vụ Hè Thu năm 2022. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Ông Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trà Vinh, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, không sản xuất lúa vụ 3 chuyển sang trồng cây màu là phương cách sản xuất khoa học, đảm bảo nguồn thu nhập cho nông dân.

Việc không sản xuất 3 vụ lúa trong năm chuyển qua canh tác 2 lúa - 1 màu hoặc 2 màu – 1 lúa vừa đảm bảo vòng quay của đất, vừa làm gia tăng độ phì nhiêu và ngắt được mầm bệnh trong đất và sâu hại cho cây lúa ở vụ tiếp theo. Nguồn thu nhập từ cây màu mang lại cho nông dân vẫn đảm bảo bằng và hơn thu nhập từ lúa vụ 3.

Tính đến đầu tháng 3, nông dân trong tỉnh Trà Vinh đã xuống giống hơn 1.600 ha cây màu vụ Đông Xuân; trong đó, diện tích màu thực phẩm chiếm khoảng 80% diện tích.

Theo ông Thạch Sang ở xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, đây là năm thứ 2 gia đình không sản xuất lúa Đông Xuân do 2.500 m2 đất của gia đình gò cao, xa kênh thủy lợi luôn bị thiếu nước tưới. Từ khi ông bỏ lúa vụ 3 chuyển sang các loại cây màu như: cà chua, ớt, dưa hấu, bí đỏ,.. cho lợi nhuận cao gấp từ 3 - 5 lần so với trồng lúa.

Ông Kiên Vuông, ở xã Lương Hoà, huyện Châu Thành chia sẻ, gia đình có 2.000 m2 luôn thiếu nước tưới trong mùa khô, trồng lúa thu nhập thấp, thậm chí thua lỗ trong vụ Đông Xuân do năng suất thấp. Năm 2021, ông không trồng lúa và chuyển hết sang chuyên trồng rau màu ăn lá quanh năm.

Với kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp, có nhà lưới bao che, sử dụng hệ thống tưới phun nước tự động tiết kiệm, rau màu cho năng suất, chất lượng rau bán được giá hơn từ 15 – 20 % so rau màu trồng bình thường.

Ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cầu Ngang cho biết, phần nhiều đất trồng lúa của huyện luôn thiếu nguồn nước tưới trong sản xuất cuối vụ lúa Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu.

Vì vậy, địa phương khuyến cáo nông dân cắt vụ chuyển sang trồng màu. Trong 3 năm qua, nông dân trong huyện tại các vùng gặp khó khăn về nguồn nước ngọt sản xuất đã mạnh dạn chuyển vụ lúa sang trồng màu hoặc không sản xuất để cày ải phơi đất cho vụ lúa sau, với diện tích ước khoảng hơn 500 ha.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm