Người dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh trồng rừng. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Đến nay, nguồn vốn Chương trình 135 đã được tỉnh đầu tư duy trì, bảo dưỡng và xây dựng mới 105 công trình hạ tầng giao thông cho các xã có đông đồng bào Khmer đang xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ thực hiện 46 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho đồng bào Khmer nghèo và tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Đối với nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai - Len, tỉnh xây dựng 10 công trình cho 5 xã đặc biệt khó khăn gồm: Ngũ Lạc, Đôn Châu (huyện Duyên Hải); Tân Hiệp (huyện Trà Cú); Mỹ Hòa, Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang).
Ngoài hai nguồn vốn nói trên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phân bổ chỉ tiêu nguồn vốn tín dụng cho tỉnh 20 tỷ đồng hỗ trợ hộ đồng bào Khmer vay phát triển sản xuất theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.
Trà Vinh hiện có gần 32% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân thiểu số của Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng dân tộc Khmer. Tính từ năm 2008 đến nay, bằng các nguồn vốn Trà Vinh đã đầu tư trên 2.500 tỷ đồng để phát triển các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc Khmer đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm bình quân 4%/năm, thu nhập bình quân đầu năm 2018, đạt hơn 43,6 triệu đồng/người/năm.