Những năm vừa qua, gần 240 hộ dân có hộ khẩu tại xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sinh sống, làm ăn ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã khiến lực lượng chức năng hai tỉnh gặp nhiều khó khăn trong quản lý nhân khẩu, thực hiện chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, đời sống của những hộ dân này hiện vẫn rất khó khăn, 80% số hộ thuộc diện nghèo. Chính quyền hai tỉnh cũng đã nhiều lần “ngồi lại với nhau” nhưng chưa đi đến thống nhất. Những người dân ở nơi đây đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan để có cuộc sống tốt hơn.
Kon Tum khẳng định không có “chồng lấn địa giới hành chính”
Cụm từ “chồng lấn địa giới hành chính” những năm qua đã được một số cơ quan báo chí, truyền thông sử dụng để nói về vấn đề gần 240 hộ dân có hộ khẩu tỉnh Quảng Nam đang sinh sống tại tỉnh Kon Tum. Phóng viên TTXVN đã liên hệ với Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, UBND huyện Kon Plông, đồng thời, đề nghị tiếp cận các hồ sơ pháp lý liên quan đến vấn đề phân định địa giới hành chính giữa hai tỉnh.
Ông Võ Sỹ Chung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum khẳng định, việc một số cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội nêu vấn đề “chồng lấn địa giới hành chính” giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là hoàn toàn không chính xác.
Theo ông Chung, tuyến địa giới hành chính giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum (trong đó có tuyến giáp ranh giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã được xác định rõ ràng và được UBND cả ba cấp tỉnh, huyện, xã của hai tỉnh thống nhất ký theo Chỉ thị 364-CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để đưa vào quản lý, sử dụng đến nay.
Từ khi xác lập hồ sơ đường địa giới hành chính giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam theo Chỉ thị 364-CT (năm 1993) đến nay, hai tỉnh đã trải qua 5 lần thành lập, chia tách các đơn vị hành chính. Cụ thể, thành lập tỉnh Quảng Nam năm 1996 trên cơ sở tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; thành lập xã Trà Vinh, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam năm 1998; thành lập huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trên cơ sở tách từ huyện Trà My vào năm 2003; thành lập xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào năm 2004.
Sau mỗi lần thành lập, chia tách các đơn vị hành chính, cả hai tỉnh đều ký lại hồ sơ đường địa giới hành chính theo hướng giữ nguyên đường địa giới hành chính theo Chỉ thị 364-CT; tuyến địa giới hành chính giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vẫn không thay đổi.
Để chứng minh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đã cung cấp Hồ sơ địa giới hành chính tỉnh năm 1995; Hồ sơ địa giới hành chính huyện Kon Plông năm 1995; Hồ sơ địa giới hành chính xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum năm 2004 cũng như các loại bản đồ, hồ sơ địa giới hành chính khác đang được lưu trữ tại Kho Lưu trữ chuyên dụng tỉnh Kon Tum cho phóng viên TTXVN. Trên các bản đồ, hồ sơ, ranh giới giữa hai xã Đăk Nên (tỉnh Kon Tum) và Trà Vinh (tỉnh Quảng Nam) đều được phân định rõ ràng, có con dấu, chữ ký của lãnh đạo ba cấp tỉnh, huyện, xã của hai địa phương. Điều đó cho thấy những khẳng định của ông Võ Sỹ Chung là đúng theo hồ sơ pháp lý.
“Năm 2015, Chính phủ có Tờ trình số 251/TTr-CP báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan một số nội dung trong quá trình triển khai Quyết định 513/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”. Báo cáo đã xác định rất rõ, tỉnh Kon Tum không có tuyến đơn vị địa giới hành chính nào bị phá vỡ, biến dạng do tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận động của địa chất tự nhiên, lũ lụt. Điều này khẳng định một lần nữa, thông tin việc “chồng lấn địa giới hành chính” giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam là không đúng với thực tế quản lý nhà nước về địa giới hành chính”, ông Võ Sỹ Chung khẳng định.
Cần sớm giải quyết triệt để vấn đề
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum: Gần 240 hộ dân với khoảng 1.100 nhân khẩu có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam nhưng đang sinh sống ở tỉnh Kon Tum, hầu hết là người Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xơ Đăng). Người dân sinh sống và canh tác ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trên diện tích xấp xỉ 360 ha. Tuy nhiên, do giao thông cách trở, trình độ canh tác lạc hậu nên kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu tự cung, tự cấp.
Chị Bùi Thị Thu Oanh (người Ca Dong, hộ khẩu tại Quảng Nam nhưng sinh sống tại Kon Tum) cho biết, người dân sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp cũng không có đường, có xe để mang đi bán. Cùng với tự sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình, chị cũng chỉ biết lên rừng hái măng, rau rừng để cải thiện bữa ăn.
Cũng chính vì sống trên đất của Kon Tum, những hộ dân có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam cũng không thể được hưởng thụ việc đầu tư các cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phía tỉnh Kon Tum không thể thực hiện đầu tư cho các cụm dân cư không thuộc hộ khẩu của tỉnh mình. Còn tỉnh Quảng Nam cũng không thể đầu tư vào khu vực những hộ dân có hộ khẩu Quảng Nam vì khu vực này thuộc tỉnh Kon Tum.
Đơn cử, đầu năm 2024, UBND xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam huy động được trên 700 triệu đồng và khởi công xây cầu treo nối từ xã Trà Vinh sang khu vực Nước Tối và điểm trường Tiểu học thôn 3, xã Đăk Nên. Ngày 16/5/2024, UBND xã Đăk Nên đã lập biên bản và có Công văn đề nghị phối hợp dừng thi công các công trình. Nguyên nhân là do công trình chưa tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước trong quản lý đất đai, lâm nghiệp, cấp phép đầu tư xây dựng…
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum Võ Sỹ Chung chia sẻ, những năm qua, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hai cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam vào tháng 8/2021 và tháng 11/2021 để xem xét, giải quyết việc quản lý, sắp xếp các hộ dân của huyện Nam Trà My đang sinh sống, sản xuất ở huyện Kon Plông. Cùng với đó, UBND tỉnh Kon Tum đã gửi nhiều văn bản cho tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp nhưng chưa có kết quả.
Theo ông Võ Sỹ Chung: Để xử lý triệt để vấn đề, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum mong muốn Trung ương sớm có ý kiến chỉ đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp giải quyết vấn đề liên quan đến địa giới hành chính giữa hai tỉnh theo hướng giữ nguyên hiện trạng đường địa giới hành chính giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My theo hồ sơ Chỉ thị 364-CT, tôn trọng hồ sơ pháp lý đã được xác lập theo quy định. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam phối hợp chuyển các hộ dân có hộ khẩu tại xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, đang sinh sống ở xã Đăk Nên về cho huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum quản lý.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, giữa tháng 9/2024, Đoàn khảo sát liên ngành do Bộ Nội vụ chủ trì, đã phối hợp với UBND hai tỉnh tổ chức khảo sát thực địa tại khu vực giáp ranh giữa xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Việc xử lý tuyến địa giới này đang trong thời gian chờ giải quyết của Chinh phủ, do vậy UBND huyện tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, tôn trọng cơ sở pháp lý theo Chỉ thị 364-CT đã được thiết lập.
Dư Toán