Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh qua 5 lần tổ chức đã trở thành sự kiện văn hóa du lịch quan trọng, vừa quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố, vừa tôn vinh hình ảnh chiếc áo dài dân tộc Việt Nam.
Các người mẫu trình diễn áo dài trong bộ sưu tập "Lịch sử áo dài Việt Nam". Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN |
Năm nay, trong khuôn khổ Lễ hội, tọa đàm “Nét đẹp Áo dài Việt Nam” lần đầu tiên tổ chức dành cho các nữ Tổng lãnh sự, phu nhân các Tổng lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua tà áo dài, giúp gắn kết hơn nữa quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Các người mẫu trình diễn áo dài trong bộ sưu tập "Hội nhập". Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN |
Là người gắn bó với tà áo dài nhiều năm và rất tâm huyết giữ gìn, phát huy những giá trị, tinh hoa dân tộc, nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng bày tỏ vinh dự khi được các phu nhân lãnh đạo cấp nhà nước tin tưởng đặt may và thiết kế áo dài thời gian qua. Chia sẻ về kỷ niệm trong quá trình may áo dài, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết rất bất ngờ và vui sướng khi các bộ áo dài do mình thiết kế đã được Nữ Hoàng Margrethe II của Hoàng gia Đan Mạch chọn làm trang phục trong một sự kiện quan trọng của quốc gia này, tổ chức vào năm 2012.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (bên trái), Phó Chủ tịch Uỷ ban Hoà bình Việt Nam và nhà thiết kế áo dài Lê Sĩ Hoàng (giữa) tham gia tọa đàm. Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN |
Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, quá trình may chiếc áo dài phục vụ công tác đối ngoại cần phải thận trọng và tinh tế, chiếc áo dài phải vừa toát lên vẻ đẹp của người phụ nữ, vừa thể hiện sâu sắc hình ảnh đại diện của người phụ nữ Việt Nam trước mắt bạn bè quốc tế. Sức thuyết phục và sự quyến rũ của tà áo dài Việt Nam vô cùng mãnh liệt, tà áo dài không chỉ là trang phục truyền thống riêng người Việt mà còn là nét đẹp văn hóa đã và đang hội nhập cùng với bạn bè thế giới.
Tổng lãnh sự, phu nhân Tổng lãnh sự các nước tại Thành phố Hồ Chí Minh tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN |
Được biết đến là nhà nữ ngoại giao giàu kinh nghiệm, thường xuyên mặc áo dài trong nhiều sự kiện mang tầm quốc tế khi còn thực hiện nhiệm vụ đối ngoại và là người đầu tiên có sáng kiến tổ chức Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Châu Âu, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hoà bình Việt Nam cho rằng: Chiếc áo dài Việt Nam làm tôn lên nét đẹp, sự mềm mại và uyển chuyển của người phụ nữ; đặc biệt còn thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Bày tỏ ấn tượng khi nhìn thấy phụ nữ trong tà áo dài Việt Nam, ông K. Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam và trang phục truyền thống Sari của Ấn Độ có những nét tương đồng. Ông K. Srikar Reddy hy vọng thời gian tới, chiếc áo dài Việt Nam sẽ ngày càng được giới thiệu rộng rãi hơn nữa để người dân Ấn Độ có dịp tìm hiểu và mặc trang phục duyên dáng này.
Ông K. Srika Reddy, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Nhựt – TTXVN |
Tại tọa đàm, khách tham dự còn được xem và tìm hiểu về quá trình hình thành của chiếc áo dài; những cách tân áo dài theo từng thời kỳ thông qua các bộ sưu tập Áo dài do nhà thiết kế Sĩ Hoàng thực hiện như bộ “Lịch sử chiếc áo dài Việt Nam” và “Hội nhập”.../.
Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN