Tìm giải pháp tăng tính cạnh tranh cho chuỗi cung ứng nông sản

Tìm giải pháp tăng tính cạnh tranh cho chuỗi cung ứng nông sản
Theo Tiến sĩ Watcharas Leelawath, Giám đốc điều hành Viện Mekong, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành kinh tế then chốt, được ưu tiên phát triển tại các quốc gia Tiểu vùng Mekong nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đây là ngành đang phát triển nhanh và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt với chính sách ưu đãi thuế bao gồm miễn trừ thuế nhập khẩu công nghệ để cải tiến dây chuyền sản xuất… 
Phiên thảo luận về vấn đề chính sách an toàn thực phẩm và nhận diện các thách thức ở khu vực Mekong - Lan Thương. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN
Phiên thảo luận về vấn đề chính sách an toàn thực phẩm và nhận diện các thách thức ở khu vực Mekong - Lan Thương. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN
Trong những năm gần đây, việc đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này liên tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Các doanh nghiệp nông nghiệp đã có sự liên kết với người nông dân, nhà sản xuất… nhằm gia tăng giá trị sản phẩm cũng như tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Một số chuỗi cung ứng trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều… cũng đã được thành lập trong khu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế thu nhập từ nông nghiệp của người nông dân trong khu vực vẫn còn rất thấp. Do vậy, Tiến sĩ Watcharas Leelawath cho rằng, diễn đàn lần này có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giao thương giữa các nước trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo nên mạng lưới kinh doanh rộng khắp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cũng như tăng thu nhập cho người nông dân. Diễn đàn cũng là cơ hội tốt cho doanh nghiệp các nước trong khu vực trao đổi các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác đầu tư lâu dài. Tiến sĩ Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cũng cho rằng, dù sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn ở mức trung bình so thế giới. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch vẫn còn khá lớn. Do vậy, ngành chế biến bảo quản, công nghệ sau thu hoạch ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. 
Tiến sĩ Watcharas Leelawath, Giám đốc điều hành Viện Mekong phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN
Tiến sĩ Watcharas Leelawath, Giám đốc điều hành Viện Mekong phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư giữa các nước trong khu vực. Đặc biệt, điểm nhấn của diễn đàn lần này là phiên kết nối hợp tác đầu tư của hơn 70 doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ các quốc gia trong khu vực, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thị trường, chia sẻ kinh nghiệm trong cải tiến sản xuất và mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư. Từ đó, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Đây là lần thứ hai Diễn đàn thương mại Mekong - Lan thương được tổ chức nhằm kết nối giao thương giữa các nước trong khu vực. Diễn đàn Thương mại Mekong - Lan Thương sẽ được tổ chức liên tục hàng năm và luân phiên tại các quốc gia trong khu vực Tiểu vùng Mekong - Lan Thương trong giai đoạn 2018-2022./.
 H.Chung

Có thể bạn quan tâm