Tìm giải pháp sinh học để diệt trừ sâu đầu đen

Sâu đầu đen sinh sản trên lá dừa. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN
Sâu đầu đen sinh sản trên lá dừa. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Sau khi xuất hiện lần đầu và gây hại 2 ha dừa ở huyện Bình Đại thì đến nay diện tích bị hại đã tăng lên gần 150 ha và trải khắp 6 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre. Nếu không kịp thời tìm giải pháp ngăn chặn thì vườn dừa Bến Tre sẽ không còn. Cùng với việc tập trung khoanh vùng lây lan, tỉnh sẽ chú trọng giải pháp sinh học. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam tại cuộc họp chiều 11/3, thông tin về tình hình sâu đầu đen hại dừa và phương hướng giải quyết trong thời gian tới.

Tìm giải pháp sinh học để diệt trừ sâu đầu đen ảnh 1Sâu đầu đen sinh sản trên lá dừa. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Sâu đầu đen gây hại thường xuất hiện đầu tiên trên các vườn dừa cao hơn 10 m và có thể hại chết cây. Đây là loại dịch hại mới xuất hiện ở Việt Nam nên chưa được công nhận để quản lý, đồng thời chưa có loại thuốc nào tại Việt Nam đăng ký phòng trị.

Tại cuộc họp, ông Võ Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, Bình Đại là địa phương phát hiện đầu tiên về sâu đầu đen hại dừa. Tháng 7/2020, sâu gây hại khoảng 2 ha ở xã Phước Long nhưng đến nay đã lây lan khoảng 40 ha. Phước Long là địa phương không phải chuyên canh dừa nên việc phòng, trừ rất khó vì ảnh hưởng đến các loài cây trồng, vật nuôi khác.

Tìm giải pháp sinh học để diệt trừ sâu đầu đen ảnh 2Sâu đầu đen ăn lá già, lá non và cả vỏ trái dừa khiến cây suy kiệt. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Mặc dù ngành chức năng đã phun xịt thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ sâu đầu đen nhưng không hiệu quả. Ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, tìm loại thuốc nào treo, bôi lên cây dừa để phòng trừ, xua đuổi sâu chứ nếu để chúng xuất hiện mới tiêu diệt thì rất khó xử lý - ông Quân đề xuất.

Theo ông Phan Tấn Lộc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, địa phương đã tổ chức phun xịt các loại thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhưng không hiệu quả nên huyện không tiếp tục triển khai. Do đó, sâu đầu đen đã tấn công khoảng 80 ha vườn dừa của huyện.

Vì vậy, huyện đề xuất UBND tỉnh trích kinh phí triển khai nghiên cứu loại thuốc đặc trị, sớm ra quân phun xịt đồng loạt để dập dịch tránh lây lan diện rộng; triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân các biện pháp quản lý tạm thời để người dân biết và thực hiện.

Trước tình trạng sâu đầu đen hại dừa lây lan diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã quyết định chi 1 tỷ đồng để tìm cách khống chế và tìm giải pháp quản lý, phòng trừ sâu đầu đen trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá mức độ gây hại của loài sâu đầu đen và xây dựng mô hình, đề xuất giải pháp quản lý, phòng trị theo hướng an toàn. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre tổ chức tập huấn triển biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen tại các địa phương có sâu gây hại.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, hiện Chi cục đang xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng trừ cho khoảng 150 ha vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại; vận động các doanh nghiệp chế biến cùng tham gia góp sức với ngành chức năng chống dịch bệnh này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đang phối hợp với một số đơn vị nghiên cứu các biện pháp xử lý như: thử nghiệm kết hợp dùng bẫy đèn, phun dầu BFS (được chiết xuất từ nhộng của ruồi lính đen đã được nhủ hóa) và thả ong ký sinh mắt đỏ Trichograma sp để quản lý sâu đầu đen hại dừa.

Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án xử lý sâu đầu đen trong năm 2021 với diện tích thực hiện 100 ha bằng nguồn dịch chiết, thả ong ký sinh mắt đỏ, bẫy đèn.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài "Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp xử lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn rỉnh Bến Tre".

Tìm giải pháp sinh học để diệt trừ sâu đầu đen ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN

Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Công ty cổ phần Nghiên cứu Ứng dụng mía đường TTC cho biết, hiện nay, ngoài tỉnh Bến Tre, sâu đầu đen đã xuất hiện ở huyện Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện có ba giải pháp được đề xuất là: bẫy đèn, thả ong ký sinh và phun xịt dầu chiết xuất từ nhộng ruồi lính đen (làm co lỗ chân lông, bịt đường thở của con sâu). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giải pháp này đề nghị địa phương không được phun thuốc hóa học vì sẽ làm chết ong ký sinh.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam yêu cầu tuyên truyền sâu rộng để người dân nhận diện được loài sâu đầu đen và mối nguy hại. Trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ, toàn diện từ đề tài nghiên cứu khoa học, ngành chức năng tỉnh tiếp tục giải pháp khoanh vùng, ngăn chặn sâu lây lan diện rộng; nhóm nghiên cứu sớm tìm ra loại thuốc sinh học có hiệu quả để diệt trừ sâu; rút ngắn thời gian nghiên cứu đề tài "Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre" thay vì thời gian dự kiến ban đầu là 18 tháng.

Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, đến thời điểm này diện tích sâu đầu đen gây hại trên địa bàn tỉnh Bến Tre gần 150 ha, xuất hiện rải rác ở các huyện Bình Đại Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre và Chợ Lách. Tổng diện tích bị nhiễm nặng là 40 ha; trong đó người dân tự đốn tiêu hủy gần 10 ha.

Trần Thị Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm