Ngành nông nghiệp đang khuyến cáo nông dân thực hiện nhiều biện pháp tích trữ nguồn nước ngọt để phục vụ diện tích lúa Đông Xuân trước tình hình hạn, mặn đang còn diễn biến gay gắt; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ nạo vét kênh thủy lợi nội đồng theo đúng kế hoạch. Để khắc phục thiếu nguồn nước tưới cho lúa Đông Xuân, Công ty Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Trà Vinh thường xuyên theo dõi độ mặn nước sông để vận hành tiếp nước vào nội đồng khi độ mặn nước hạ thấp ở ngưỡng cho phép.
Ông Lê Văn Phi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết, tổng diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn huyện 2.900 ha; trong đó có khoảng 600 ha do xuống giống muộn, đất ruộng xa nguồn kênh thủy lợi và đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền địa phương vận động nông dân tập trung thu dọn lục bình, vật cản trên các tuyến kênh thủy lợi để khai thông dòng chảy cung cấp đủ nguồn nước bơm tát. Cùng với đó, khuyến khích nông dân gia cố bờ bao, bờ ruộng chống thất thoát nước, sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngọt để đảm bảo phục vụ lúa Đông Xuân.
Theo số liệu quan trắc từ đầu tháng 3/2021, nước mặn ở các nhánh sông, các tuyến kênh thủy lợi đầu mối vẫn ở mức từ 4 – 11%, vượt ngưỡng cho phép lấy nước vào nội đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Do phải chủ động ngăn mặn nên toàn bộ hệ thống cống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều phải đóng xuyên suốt từ đầu năm. Hiện mức nước kênh thủy lợi nội đồng sụt giảm mạnh và nguy cơ khó bơm tát lên đồng ruộng trong giai đoạn lúa Đông Xuân đẻ nhánh, làm đòng.
Thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, tổng diện tích lúa Đông Xuân của tỉnh hiện có hơn 58.159 ha, vượt hơn 5.465 ha so kế hoạch; trong đó có 13.700 ha xuống giống sau lịch thời vụ. Đây là diện tích lúa có nguy cơ cao bị thiệt hại do khô hạn trong giai đoạn làm đòng.
Tại tỉnh Hòa Bình, đến nay diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân 2021 đạt hơn 13.500 ha. Sau đợt rét đậm, rét hại trong tháng 1/2021 thì đến thời điểm này thời tiết đang ấm dần lên, đêm và sáng sớm có sương mù, độ ẩm cao một số đối tượng sâu bệnh đang có xu hướng phát sinh gây hại sớm trên cây trồng, gây hại cho lúa.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến lưu ý nông dân các địa phương đề phòng ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, rầy, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh héo xanh vi khuẩn trên cây họ bầu, bí…
Vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đề nghị các cơ quan chuyên môn tăng cường bám sát địa bàn, chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ đối với các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình tích cực tuyên truyền phòng chống các loại sâu bệnh trên cây trồng, gây hại như rầy, bệnh lùn sọc đen phương nam, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân bướm hai chấm, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, sâu keo mùa thu trên cây ngô… có khả năng bùng phát gây hại cho cây trồng rất cao.
Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cần phối hợp chặt chẽ với các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế và trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo dõi thường xuyên các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên môn; phối hợp với nông dân chăm sóc bón phân kịp thời cho diện tích lúa đã cấy và các cây trồng, hoa màu khác; cung ứng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu, phù hợp và kịp thời khi có sâu bệnh gây hại.
Các đơn vị chuyên môn cùng bà con nông dân bám sát đồng ruộng, kiểm tra chặt chẽ các diễn biến của dịch hại cây trồng, dự báo chính xác các cao điểm gây hại của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả kiên quyết không để xảy ra trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vụ Xuân 2021.
Phúc Sơn - Trọng Đạt