Bến Tre khẩn trương ngăn chặn sâu đầu đen gây hại vườn dừa

Sâu đầu đen hại dừa. Ảnh: baobinhthuan.com.vn
Sâu đầu đen hại dừa. Ảnh: baobinhthuan.com.vn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của sâu đầu đen gây hại vườn dừa trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về tác hại và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật (biện pháp quản lý tạm thời theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp) để quản lý phòng trừ sâu đầu đen hại dừa cho người dân và cán bộ các ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông; đồng thời, thực hiện tốt việc điều tra, thống kê mức độ, diện tích nhiễm trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển các loại giống cây trồng nhập khẩu trái phép, chưa qua kiểm dịch…, theo đúng quy định pháp luật nhằm hạn chế việc lây lan sâu đầu đen gây hại và những mầm bệnh mới.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tích cực phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ các viện, trường, ngành bảo vệ thực vật thực hiện các nghiên cứu để đánh giá xác định mức độ gây hại, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trừ theo hướng sinh học an toàn, bền vững.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu đầu đen hại dừa và các cây trồng khác; thông tin tình hình gây hại của sâu đầu đen và hướng dẫn biện pháp quản lý loài sâu hại này theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương thuộc quyền quản lý phối hợp với các cơ quan chức năng, các ngành có liên quan nhanh chóng khoanh vùng những khu vực đã xuất hiện sâu đầu đen, đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên dừa và cây ký chủ phụ khác (các cây họ cau, chuối...) để hạn chế thiệt hại, không lây lan ra diện rộng.

Mặt khác, thực hiện nghiêm các biện pháp khuyến cáo của ngành chức năng như: không săn bắt các loài động vật hoang dã là thiên địch của sâu đầu đen (các loài chim, bò sát,…); hạn chế vận chuyển cây giống dừa, các cây ký chủ phụ khác của loài sâu hại này trong vùng nhiễm sang các vùng khác để hạn chế lây lan; không lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phun ngừa, phun định kỳ thuốc hóa học hoặc sử dụng thuốc có độ độc cao, phối trộn nhiều loại thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, vật nuôi, thiên địch và gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn sâu, rộng về biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa nhằm giúp nông dân nắm vững thông tin, nâng cao nhận thức phòng trừ và yên tâm sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, từ tháng 7 năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự xuất hiện gây hại của sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker tại xã Phú Long, huyện Bình Đại, với diện tích ban đầu khoảng 2,4 ha. Đến nay, sâu đầu đen đã được ghi nhận gây hại tại các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và thành phố Bến Tre. Diện tích xuất hiện gây hại từ trung bình đến nặng là 49,2 ha và lây lan mức độ nhẹ 12,6 ha.

Đáng chú ý, các vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng, toàn bộ tàu lá, lá chét bị khô dẫn đến suy giảm năng suất và nguy cơ chết cây, làm ảnh hưởng đến sản lượng dừa toàn tỉnh và thu nhập người trồng dừa.

Bến Tre là "thủ phủ" cây dừa của cả nước với diện tích hơn 72.000 ha, sản lượng trên 600 triệu trái/năm. Cây dừa là một trong những cây trồng chủ lực gắn với đời sống và thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc sớm ngăn chặn sâu đầu đen gây hại ra diện rộng trên vườn dừa là rất cần thiết, nhằm bảo vệ sản xuất của người trồng dừa trên địa bàn tỉnh.

Công Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm