Ngày 9/11, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, ngành chức năng đang tập trung triển khai các biện pháp quản lý tạm thời loài sâu hại ăn lá dừa có tên khoa học Opisina Arenosella Wallker (còn gọi là sâu đầu đen) cho cán bộ địa phương và nông dân trồng dừa trong toàn tỉnh Bến Tre.
Theo ông Đức, sâu đầu đen gây hại tại 3 điểm thuộc các huyện trồng nhiều dừa của tỉnh Bến Tre như: xã Phú Long, huyện Bình Đại; xã Hữu Định, huyện Châu Thành; xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam và có nguy cơ lan rộng đến các vườn dừa khác trong tỉnh. Do vậy, ngành chức năng tổ chức tập huấn cho cán bộ tại các xã và các hộ dân.
Theo đó, hộ dân sẽ được biết về sâu hại mới này, về hình thái, triệu chứng, đặc điểm gây hại và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trên dừa, kỹ thuật canh tác để phòng trừ sâu hại như: cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá hoặc lá chét bị sâu hại đốt hoặc vùi xuống nước nhằm giảm mật số sâu hại (đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả an toàn môi trường và cần thực hiện ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại); các biện pháp sử dụng thuốc sinh học và hóa học để trừ sâu đầu đen hại dừa.
Ông Đức cho hay, trước mắt, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chỉ sử dụng các loại thuốc sinh học để diệt trừ sâu nhằm bảo vệ an toàn cho các loài thiên địch, tránh gây thiệt hại cho các sinh vật khác khi sử dụng thuốc hóa học.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm vườn dừa, nếu có dấu hiệu bị sâu tấn công nông dân áp dụng ngay biện pháp canh tác: cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá/lá chét bị sâu gây hại sau đó đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại hiệu quả, an toàn cho người và môi trường. Đây là biện pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại dừa để tránh lây lan cho cây khác.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp các ngành chức năng và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bến Tre, xây dựng đề tài nghiên cứu về sâu đầu đen. Qua đó, điều tra thành phần, diễn biến, mức độ gây hại, phổ ký chủ và nghiên cứu đặc điểm sinh học của sâu ăn lá dừa và các loài thiên địch; định hướng ứng dụng biện pháp sinh học kiểm soát loài dịch hại này... để các ngành chức năng có biện pháp quản lý lâu dài và hiệu quả đối với loài sâu ăn lá dừa trong thời gian tới.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, hiện nay sâu đầu đen gây hại cho hơn 40 ha dừa; trong đó có hơn 7 ha bị thiệt hại nặng trên 90%. Hiện, các vườn dừa này và khu vực xung quanh đã được phun thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ sâu hại.
Ngành chức năng tỉnh tổ chức tuyên truyền cho người dân trong khu vực sâu gây hại để có biện pháp chủ động xử lý kịp thời khi dừa bị sâu đầu đen tấn công. Ông Nguyễn Văn Tâm, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, đây là loài sâu hại mới nên nông dân chưa nắm được cách phòng trị.
Theo ông Tâm, rút kinh nghiệm trước đây khi bọ dừa tấn công cây dừa, do người dân chủ quan không phòng bị kịp thời nên thiệt hại rất lớn. Do đó, sau khi biết có sâu hại mới có thể gây ảnh hưởng đến 1,2 ha vườn dừa của gia đình, ông đã học lớp tập huấn về sâu đầu đen gây hại cho dừa. Ông Tâm chia sẻ, người dân sẽ chủ động hơn trong phòng trừ sâu hại mới này trên cây dừa, để hạn chế thiệt hại do sâu đầu đen gây ra.
Huỳnh Phúc Hậu