Ảnh minh họa. |
Theo đề án, việc lát đá khu vực phố cổ nhằm tạo cảnh quan kiến trúc ở phố cổ Hà Nội tại 11 tuyến phố. Theo đó, việc lát đá chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm 5 phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy sẽ trở thành tuyến phố thương mại. Nhóm còn lại gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Giầy, Đào Duy Từ sẽ là khu phố ẩm thực đi bộ.
Việc lát đá xuất phát từ việc cải tạo tuyến phố Tạ Hiện. “Khi cải tạo tuyến phố Tạ Hiện, các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo việc lát đá nằm trong tổng thể của tuyến đường và nên dùng vật liệu tự nhiên”, ông Phạm Tuấn Long cho biết.
Vào thời điểm năm 2011, việc lát đá phố Tạ Hiện chiều dài 55 m có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng. “Còn việc lát đá 11 tuyến phố chưa có con số cụ thể bởi chúng tôi còn phải căn cứ vào thiết kế mới có thể tính toán ra tổng mức đầu tư", ông Phạm Tuấn Long trả lời.
Ông Long cũng thừa nhận việc lát đá dễ gây trơn trượt vào trời mưa, do đó việc lát đá cần nghiên cứu cụ thể hơn. Đặc biệt là việc phải tổ chức lại giao thông khu vực này, trong đó có việc hạn chế phương tiện đi vào khu vực này.
Còn Giáo sư, KTS Hoàng Đạo Kính cho biết: “Việc chỉnh trang các tuyến phố cổ là việc bình thường nhưng phải tuân thủ hai nguyên tắc: Hài hòa với cảnh quan và thời điểm để làm. Trong khu vực phố cổ, có rất nhiều ưu tiên phải làm trước, chẳng hạn như chỉnh trang, nâng cấp, xóa bỏ cảnh sống chen chúc như những “tổ người” hình thành hàng chục năm nay trong các căn nhà ở phố cổ, quy hoạch lại quảng cáo… Muốn lát đá các tuyến phố cổ phải nghiên cứu thật kỹ, tránh bài học “lát đá vỉa hè’ hồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, các vỉa hè chỉ được xếp đá lên, khấp khểnh, thò ra thụt vào rất cẩu thả. Các dự án ở phố cổ phải bắt nguồn từ lợi ích của người dân mà đặt ra kế hoạch cụ thể”.
Báo Tin Tức