Tiền Giang phát huy vai trò kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi phát biểu. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi phát biểu. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Ngày 28/6, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề "Vai trò của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu phát triển bền vững". Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đến từ các viện, trường… đã tham dự.

Tiền Giang phát huy vai trò kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững ảnh 1Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi phát biểu. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng nhấn mạnh, muốn hướng đến nền kinh tế xanh phải giải quyết được vấn đề căn bản là sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, hạn chế thấp nhất tác động môi trường để tạo ra hiệu quả kinh tế mà xã hội chấp nhận được.

Tiền Giang có tổng diện tích tự nhiên 2.556 km2, bờ biển dài 22 km, nhiều tiểu vùng sinh thái đặc thù lợ, mặn, ngọt, Đồng Tháp Mười; dân số trên 1,7 triệu người. Với vị trí thuận lợi, tỉnh có nhiều lợi thế phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ gắn với triển khai mô hình kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thực hiện mục tiêu định hướng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững, Tiền Giang đã xây dựng được mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa gạo như: "Nuôi gà ri chuyên trứng theo hướng VietGAP", "Nuôi thỏ sinh sản theo hướng công nghiệp", "Trồng lúa hướng hữu cơ"... Tỉnh triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tạo ra sản phẩm tiểu thủ công nghiệp mới…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng, việc triển khai và ứng dụng rộng rãi các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là một trong những yêu cầu bức thiết của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đề nghị, tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tập trung chia sẻ, thảo luận, đề xuất giải pháp có tính khả thi giúp ngành chuyên môn của tỉnh nghiên cứu, vận dụng vào việc triển khai mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp tiềm năng, thế mạnh, định hướng quy hoạch của địa phương nhằm mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường…

Trên cơ sở phân tích các cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tỉnh Tiền Giang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ) nêu ý kiến, tỉnh cần đúc kết kinh nghiệm quốc tế và trong nước về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn thành công vào bối cảnh địa phương, Trước mắt, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đồng thời xây dựng hành lang pháp lý, các chính sách, biện pháp khả thi gắn với giải pháp khoa học - công nghệ, thị trường, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước…

Tiền Giang phát huy vai trò kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững ảnh 2Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp đề xuất giải pháp xây dựng nông nghiệp tuần hoàn bền vững cho Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, Tiền Giang cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, tạo môi trường, động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực quan trọng như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học và công nghệ.

Tiền Giang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, hình thành hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh từng vùng, tiểu vùng. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, tự động hóa nền sản xuất lớn thông qua việc đưa các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn kết sản xuất và tiêu thụ, thị trường, cũng như tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình sản xuất…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá cao các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các cấp, ngành tại Hội thảo. Qua đó, địa phương đúc kết, phát triển, vận dụng vào thực tiễn đời sống trong thời gian tới nhằm tạo chuyển biến mới, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp xu thế mới của nền kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của các hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, phục hồi các hệ sinh thái đặc thù trong tương lai.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm