Ngày 17/11, tại thành phố Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn hợp tác xã nông nghiệp với chủ đề phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Những năm qua, hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, hoạt động hợp tác xã vẫn đối mặt nhiều khó khăn như quy mô vốn, tài sản thấp, tích lũy chậm; tỷ lệ hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia liên kết chuỗi giá trị còn thấp; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế...
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao, yêu cầu khắt khe từ thị trường thì việc ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển mô hình kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các hợp tác xã nông nghiệp là vô cùng cấp bách.
Tại diễn đàn, các bài tham luận tập trung vào thực trạng và định hướng phát triển hợp tác xã, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu và sự tham gia của các hợp tác xã nông nghiệp; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long: cơ hội và thách thức đối với hợp tác xã nông nghiệp...
Đi từ thực tế hợp tác xã, ông Nguyễn Quốc Bảo, Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre cho biết, trước đây, xã viên thường sử dụng phân vô cơ, thuốc hóa học để chăm sóc cây bưởi, nhưng theo thời gian chất lượng quả bưởi giảm dần và cây bị giảm tuổi thọ. Vì thế thời gian gần đây, thành viên hợp tác xã sử dụng phân bò, rơm để bón cho cây. Thời gian qua, hợp tác xã liên kết với hợp tác xã nuôi bò sữa để lấy phần bò nuôi trùn quế, phân trùn quế này làm phân bón cho cây bưởi của hợp tác xã bưởi. Mặc dù, so với giá phân vô cơ thì rẻ hơn, đất tốt hơn.
"Nếu phạm vi một hộ áp dụng nông nghiệp tuần hoàn sẽ khó nhưng nếu áp dụng quy mô hợp tác xã cùng làm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ mang giá trị cho hợp tác xã, cho môi trường, xã hội", ông Quốc Bảo nhấn mạnh.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển hàng hóa lớn nhưng phải đối phó với nhiều thách thức, trong đó có biến đổi khí hậu. Nông nghiệp tuần hoàn có vai trò quan trọng biến những thách thức thành cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn đem lại hiệu quả phải triển khai ở quy mô rộng và có tính liên kết. Phát triển hợp tác xã không nằm ngoài xu thế này, hợp tác xã với vai trò dẫn dắt kinh tế hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp vô cùng hiệu quả.
Tuy nhiên, tự thân các hợp tác xã không thể thay đổi được, cần phải có sự chung tay của nhà nước giúp các hợp tác xã nông nghiệp củng cố, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của hợp tác xã; giúp hợp tác xã chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của nhà nước; xã hội hóa nguồn lực đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế và các tác nhân khác;...
Vùng trồng lúa chính tại Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 3,9 - 4 triệu ha sản lượng lúa, đạt 23,8 - 24 triệu tấn/năm, chiếm hơn 50% tổng diện tích và sản lượng lúa tại Việt Nam. Các kỹ thuật canh tác lúa hiện nay có thể giúp tăng năng suất và sản lượng nhưng lại gây phát thải khí nhà kính.
Giảm phát thải khí nhà kính bằng cách không đốt rơm rạ mà tái sử dụng rơm rạ dùng làm phân bón đưa về lại đồng ruộng là cách thức hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, không thể cùng lúc thực hiện các mục tiêu an ninh lương thực, phát triển kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính cùng lúc, vì thế, theo bà Nguyễn Kim Thu, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cần thay đổi các chính sách và cơ chế cắt giảm phát thải khí nhà kính như ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý thay vì chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước nên triển khai áp dụng chính sách thu nhập cho nông dân trồng lúa thực hành canh tác phát thải carbon thấp để thuyết phục nông dân tham gia và sản xuất phát thải carbon thấp.
Cho rằng người nông dân trong hợp tác xã là chủ thể trung tâm của kinh tế nông nghiệp nông thôn, Tiến sĩ Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khuyến nghị các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông mở các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan học tập để chuyển dần từ sản xuất theo các mô hình tuyến tính sang các mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn... Mỗi tỉnh xây dựng 3 - 5 mô hình hợp tác xã điển hình phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên mô hình hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu đạt chuẩn và liên kết xây dựng mô hình hợp tác xã gắn với chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực hoạt động sau thu hoạch.
Trước những khó khăn khiến các hợp tác xã phát triển không hiệu quả, Tiến sĩ Hoàng Vũ Quang cho rằng chính quyền nên rà soát, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách (đất đai, thuế phí và lệ phí, chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng) cho hợp tác xã. Bên cạnh đó, cần đưa đào tạo hợp tác xã vào các trường đại học, trường nghề đào tạo lực lượng khuyến nông cộng đồng, chuyên gia tư vấn phát triển hợp tác xã; khuyến khích doanh nghiệp tham gia hỗ trợ hợp tác xã về nhân lực quản lý kinh doanh; có chính sách thu hút lao động trẻ sinh viên tốt nghiệp về làm việc cho hợp tác xã.
Thu Hiền