Thời gian qua, hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội có nhiều đổi mới. Không ít hợp tác xã nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần khẳng định vai trò của mô hình kinh tế tập thể này…
Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 1.342 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho nông dân yên tâm sản xuất.
Nhiều HTX nông nghiệp nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động; ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Điển hình là HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai). HTX Hoàng Long hoạt động hiệu quả với chuỗi chuồng trại nuôi lợn sinh học, là HTX tiêu biểu trong số các HTX ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi ở Hà Nội. HTX Hoàng Long có trên 4.100 con lợn, 100% đàn lợn là giống của Pháp. Đây là giống lợn tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Lợn tại đây được nuôi trong chuồng có lắp đặt hệ thống làm ấm về mùa đông, làm mát vào mùa hè; có hệ thống xử lý mùi hôi… HTX Hoàng Long hoạt động hiệu quả, nhiều năm qua đem lại công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục thành viên với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ HTX Hoàng Long, hàng chục HTX khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho thành viên HTX; tham gia, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ; đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như: HTX rau Văn Đức, HTX Đa Tốn (Gia Lâm), HTX Đông Cao (Mê Linh), HTX nông nghiệp xã Tam Hưng (Thanh Oai)… Hiệu quả hoạt động của các HTX này đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hà Nội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến; tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chú trọng thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới. Ngay sau khi Quyết định số 167/QĐ-TTg được ban hành, Hà Nội đã có Quyết định số 4857/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”.
5 HTX đã được thành phố lựa chọn làm điểm là: HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai), HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức), HTX Nông nghiệp An Mỹ (huyện Mỹ Đức), HTX Rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên), HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (huyện Đông Anh). Đây là các HTX bảo đảm những yêu cầu thuộc Đề án như: Đã chuyển đổi và hoạt động có hiệu quả theo quy định của Luật HTX năm 2012, đảm bảo tỷ lệ cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho thành viên, có lãi liên tục trong 3 năm gần nhất, có định hướng phát triển phù hợp với mô hình được Đề án lựa chọn…
Ngoài 5 HTX đã được lựa chọn, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ nghiên cứu, lựa chọn thêm 20 HTX, liên hiệp HTX đáp ứng các điều kiện để tham gia Đề án của Thủ tướng Chính phủ và được hỗ trợ từ ngân sách thành phố; xây dựng phương án nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2026 - 2030.
Thu Giang