Thúc đẩy liên kết vùng để Đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh”

Thúc đẩy liên kết vùng để Đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh”

Thúc đẩy liên kết vùng để Đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh” là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc tế “Tác động của các nhân tố để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết vùng”, do Trường Đại học Tây Đô tổ chức ngày 22/4 tại Cần Thơ.

Thúc đẩy liên kết vùng để Đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh” ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô cho biết, đây là diễn đàn chia sẻ các ý tưởng, kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị có tính khả thi nhằm gia tăng sự liên kết vùng, kết nối của người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp. Từ đó góp phần tạo ra sự liên kết nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long chặt chẽ hơn và thúc đẩy thành phố Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm của sự liên kết. Đồng thời, Cần Thơ còn đóng vai trò kết nối nước ta với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Hội thảo quy tụ gần 40 ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây sẽ là những gợi ý thiết thực giúp các nhà quản lý có thêm cơ sở khoa học để hoạch định các chính sách và thể chế quản trị giúp xóa bỏ sự chồng chéo trong phân vùng, làm rõ thẩm quyền trong quy hoạch, kế hoạch và quản lý phân vùng theo lợi thế so sánh của từng địa phương; khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt theo địa giới hành chính. Từ đó đưa Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ xác định quan điểm phải phát huy tối đa cả nội lực và ngoại lực để phát triển thành phố trở thành thành phố thông minh, hiện đại và là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long…Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.

Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phải thực hiện hiệu quả liên kết vùng. Điều này làm tăng đáng kể khả năng kết nối về không gian kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý vi mô và quản lý vĩ mô của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tạo lợi thế so sánh trong cạnh tranh và tạo động lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất bền vững. Việc liên kết vùng phải được xây dựng trên các trụ cột: Nhân lực – Cơ sở hạ tầng – Công nghệ.

Thúc đẩy liên kết vùng để Đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh” ảnh 2Ông Trần Quốc Tuấn, Thường vụ tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Cụ thể, theo các đại biểu, các liên kết phải được hoạch định thống nhất, đồng bộ, chú trọng vào các mũi nhọn. Ông Trần Quốc Tuấn - Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh cho rằng, liên kết vùng cần tạo ra chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm; liên kết trong thủy lợi; xây dựng nâng cấp hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không… trong đó vùng cần có kiến nghị lên Trung ương bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh.

Đồng thời, thành phố cần liên kết đô thị động lực Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đào tạo nhân lực chất lượng cao; liên kết thiết lập hệ thống thông tin vùng, cơ sở dữ liệu về quy hoặc tổng thể kinh tế - xã hội, chính sách đầu tư… của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới xây dựng xã hội số, công dân số.

Các đại biểu cũng cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực cũng đang là lực cản khiến Đồng bằng sông Cửu Long có kết nối vùng kém, chưa thể “cất cánh” như kỳ vọng. Ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Bí thư huyện Thới Lai nhấn mạnh, nhân lực chất lượng cao đang là bài toán khó đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thiếu lao động trong lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của liên kết nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp – người học/ người lao động. Năng suất nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity – TFP) của Đồng bằng sông Cửu Long đang còn rất thấp (1,92%). Nền kinh tế của vùng vẫn còn phát triển theo chiều rộng; thiếu các động lực để cải thiện trình độ khoa học công nghệ và năng suất lao động trong ngắn hạn và trung hạn.

Bàn về tầm quan trọng của công nghệ trong tiến trình liên kết vùng, kết nối quốc tế, Giáo sư Yvon Gousty, Chủ tịch Nhóm Phát triển Công nghệ Á-Âu nhấn mạnh, chỉ có công nghệ mới rút ngắn tối đa chi phí về thời gian và các chi phí trung gian. Tuy nhiên, việc liên kết vùng, hay rộng hơn là liên kết quốc tế đòi hỏi phải có một đầu mối trung tâm. Đầu mối này phải hiểu biết sâu sắc văn hóa – kinh tế của từng thành viên, lập kế hoạch hành động chi tiết và cam kết giảm thiểu sự khác biệt giữa các thành viên, hướng tới mọi thành phần đều hưởng lợi bình đẳng.

Cũng góp ý kiến về công nghệ trong quá trình quốc tế hóa, Giáo sư Premkumar, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia bàn về vai trò của công nghệ trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo đó, công nghệ sẽ giúp chúng ta được sống trong một thế giới phẳng, với những khóa học online toàn cầu kết hợp công nghệ hiện đại như VR, AR (công nghệ thực tế ảo, công nghệ thực tế tăng cường…), học viên ở mọi nơi trên thế giới sẽ đều có cơ hội phát triển bản thân như nhau. Do đó, giáo dục Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phải có những định hướng hợp tác giáo dục quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuẩn quốc tế với chi phí thấp nhất, nhờ sử dụng công nghệ.

Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm