Thúc đẩy liên kết trong chuỗi cung ứng ngành điện tử

Thúc đẩy liên kết trong chuỗi cung ứng ngành điện tử
Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo Thúc đẩy cơ hội liên kết trong chuỗi cung ứng ngành điện tử” do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) tổ chức chiều 13/3.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố
Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Điện tử được đánh giá là một trong những ngành có sự phát triển nổi bật trong khoảng thời gian gần đây và đang từng bước trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành điện tử có bước phát triển rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế, trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay công nghiệp  điện tử cũng là ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu hút hơn 500.000 lao động; trong đó, có nhiều lao động chất lượng cao.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Phương Đông, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm 90% toàn ngành công nghệ thông tin, nhưng giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tập trung vào lắp ráp và thực hiện dịch vụ thương mại.

Phân tích thực trạng trên, Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho rằng, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam chưa thể lớn mạnh và đóng góp tương xứng vào giá trị xuất khẩu hàng điện tử vì ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa theo kịp nhu cầu sản xuất, dẫn tới khả năng cung ứng linh kiện nội địa còn quá thấp.

Theo Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, sự phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo phụ thuộc rất lớn vào khả năng cung ứng linh kiện và phụ tùng nội địa. Trong khi đó, khả năng cung ứng nội địa các linh kiện điện tử của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất thấp, chỉ có 6% linh kiện được sản xuất tại trong công ty, 16% linh kiện mua từ trực tiếp từ các công ty sản xuất trong nước, 1% linh kiện mua qua các công ty thương mại trong nước, còn lại 77% linh kiện phải nhập khẩu. Đặc biệt, tỷ lệ nhập khẩu linh kiện điện, điện tử cơ bản chiếm tới 98,2%, tỷ lệ nhập khẩu linh kiện điện, điện tử chuyên dụng cũng lên tới 64% .

Bên cạnh việc chưa thể tạo ra sản phẩm diện tử hoàn chỉnh, các doanh nghiệp Việt Nam cũng khá khó khăn khi tham gia các chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu; trong đó, có nhiều thương hiệu lớn đang có mặt tại Việt Nam như Samsung, Canon… Theo các chuyên gia, quy trình chọn nhà cung cấp trong công nghiệp điện tử dựa trên ba tiêu chí là chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Điển hình như quy trình lựa chọn nhà cung ứng cấp 1 của Samsung bao gồm nhiều công đoạn, từ tìm ra doanh nghiệp tiềm năng, đánh giá doanh nghiệp Việt Nam, xem xét có tiến hành giao dịch hay không, lựa chọn linh phụ kiện sẽ giao dịch, xem xét hàng mẫu, công ty mẹ phê duyệt, đăng ký làm nhà cung cấp, sản xuất hàng loạt và cung cấp. Toàn bộ quy trình có thể kéo dài hơn 1 năm.

Hiện nay, số doanh nghiệp điện tử của Việt Nam có khả năng đáp ứng các yêu cầu trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung là rất ít. Thực tế là doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất linh kiện theo tiêu chuẩn của Samsung, nhưng không thể làm được với giá mà Samsung yêu cầu. Vì vậy, vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trình độ kỹ thuật mà còn ở giá cả và thời gian giao hàng.

Bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Văn phòng giới thiệu sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI- HCM) cho biết, đặc thù của ngành điện tử nói chung là có tốc độ phát triển nhanh, chu kỳ sống của sản phẩm ngắn. Đây cũng là ngành công nghiệp hiện đại, có yêu cầu đầu tư lớn, cạnh tranh của thị trường gay gắt và độ rủi ro cao nhưng nếu phát triển đúng hướng sẽ thu lại lợi nhuận lớn.

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chia thành hai nhóm theo định hướng thị trường; trong đó, nhóm doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa gồm các doanh nghiệp trong nước, liên doanh và doanh nghiệp nước ngoài; nhóm sản xuất phục vụ xuất khẩu hầu như chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ qua rất nhiều thị trường tiềm năng.
 
Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình cho rằng, muốn tham gia ngành công nghiệp chế tạo nói chung, ngành điện tử nói riêng, các doanh nghiệp phải xây dựng được tầm nhìn, chiến lược dài hạn, xác định rõ mục tiêu của mình trong khoảng thời gian nhất định là gì. Tiếp đó, phải thực sự chủ động trong việc sản xuất cũng như tiếp cận khách hàng.

Theo Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, doanh nghiệp điện tử Việt Nam được người nước ngoài đánh giá là có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nhưng chưa chủ động trong việc tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Quan trọng nhất, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường liên kết, xây dựng mạng lưới các nhà sản xuất trong nước, từ đó có sự phối hợp, điều tiết và nắm bắt cơ hội tốt nhất.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam tăng cường liên kết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến xây dựng liên minh các doanh nghiệp điện tử nhằm tăng cường hợp tác, giải quyết các thách thức mà ngành phải đối mặt, từ đó góp phần nâng cao danh tiếng thương hiệu và khả năng cạnh tranh, giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh.

Ông Lê Quang Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Năng suất chất lượng (Quatest 3), cho rằng, giá trị của sản phẩm cung ứng cho khách hàng bao gồm nhiều yếu tố như giá cả, chức năng, chất lượng, sự sẵn sàng cung cấp, sự đa dạng chọn lựa; quan hệ khách hàng như dịch vụ, sự cộng tác với khách hàng; hình ảnh doanh nghiệp thể hiện qua thương hiệu, kiến thức, sự chuyên nghiệp...

Vì vậy, để phát triển bền vững, ngoài sự liên kết, bản thân mỗi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động để cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Việc nâng cao năng suất không chỉ dựa vào việc đầu tư đổi mới công nghệ mà còn đòi hỏi tất cả nhân sự của doanh nghiệp phải thực sự thay đổi tư duy, cải tiến cách làm nhằm giảm thiểu các nguyên nhân gây lãng phí nguyên vật liệu, nâng cao công suất hoạt động của máy móc thiết bị và kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt nhất./.
Xuân Anh

Có thể bạn quan tâm