Thúc đẩy cải thiện giao thông cho Thủ đô

Thúc đẩy cải thiện giao thông cho Thủ đô
Đột phá về hạ tầng giao thông làm thay đổi diện mạo Thủ đô. Ảnh: TTXVN
Đột phá về hạ tầng giao thông làm thay đổi diện mạo Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, một trong những thành công đáng kể nhất trong quá trình phối hợp giữa thành phố và Bộ Giao thông Vận tải là việc điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến xe khách liên tỉnh theo đúng định hướng quy hoạch luồng tuyến đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, góp phần quan trọng trong việc hạn chế ùn tắc giao thông khu vực nội đô.

Đồ án quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang được hiện thực hoá. Hà Nội đã hoàn thành và khởi công nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn như: 12 công trình cầu yếu; một số đoạn tuyến của các tuyến đường hướng tâm, vành đai, đường trục chính đô thị, đường liên khu vực trên địa bàn...; đồng thời, phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ Giao thông Vận tải trong việc triển khai các dự án do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư trên địa bàn như: đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2A, dự án mở rộng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Đối với danh mục 8 công trình giao thông cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giao thầu (thành phố thực hiện 7 công trình và Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 1 công trình) thì Hà Nội đã hoàn thành 2/7 công trình. Đó là cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái và cầu vượt nút giao Cổ Linh. Khởi công công trình vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Hai công trình là cầu vượt nút giao An Dương và cầu vượt Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc cũng đã phê duyệt dự án và chuẩn bị khởi công...

Bên cạnh đó, thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý, duy tu, duy trì hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông một cách thường xuyên, kịp thời, linh hoạt. Nhiều giải pháp tích cực đã góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay, Hà Nội đã cơ bản giải quyết được 6/41 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội xác định kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá. Trong số 52 dự án có 39 dự án trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư; trong đó, dự án vành đai 1 đã bố trí vốn được 3.200 tỷ đồng; đường vành đai 2, đoạn cầu Nhật Tân-Ngã Tư Sở cũng đã bố trí xong vốn Ngân hàng Thế giới; dự án đường cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở giao nhà đầu tư thực hiện luôn đường dưới thấp, đang tiến hành chi trả tiền giải phóng mặt bằng. Đường vành đai 3 đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành trong năm 2018; đường vành đai 2,5 còn hạng mục cầu và hầm chui qua đường Giải phóng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên chưa triển khai...  sẽ tập trung để đến năm 2020 là hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đánh giá cao công tác phối hợp giữa thành phố và Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian qua và mong muốn được trao đổi trực tiếp các vấn đề thực tế với các sở, ban, ngành thành phố để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại. Giải quyết ách tắc giao thông cho Hà Nội là vấn đề còn nhiều khó khăn, nhất là việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bộ trưởng cũng đánh giá cao quyết tâm của Hà Nội trong việc huy động các nguồn vốn BOT, BT khi điều kiện Ngân sách Nhà nước bố trí nguồn vốn giao thông không còn, ngay cả nguồn vốn cho Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2018 cũng đã hết và chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu vốn cho giao thông. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý thành phố Hà Nội về cách thức trả lại nguồn đầu tư cho nhà đầu tư cần được tính đúng giá trị và phù hợp.
Tuyết Mai

Có thể bạn quan tâm