Về phần mình, Hiệu phó của Đại học Thammasat, Prinya Thaewanarumitkul (Prin-ya Tha-va-na-rum-mít-cun) cho biết nông trại sẽ mở cửa cho bất cứ ai muốn đến để trải nghiệm trồng lúa, rau và thảo dược.
Các chuyên gia khí hậu cảnh báo thủ đô Bangkok, được xây dựng trên vùng đồng bằng sông Chao Phraya (Chao Phra-ya), mỗi năm sẽ sụt lún thêm 1cm so với mực nước biển và trở thành một trong những khu vực đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong những năm tới. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2030, gần 40% diện tích thủ đô Bangkok có thể bị ngập lụt hằng năm do lượng mưa ngày càng lớn.
Lụt lội tại nhiều nơi ở thủ đô Bangkok đã trở nên phổ biến trong mùa mưa. Những cơn mưa lớn vào năm 2011 đã gây ra trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến khoảng 20% thành phố chìm trong biển nước. Sau thảm họa đó, kiến trúc sư Kotchakorn bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về không gian xanh đô thị có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Gần đây, bà đã thiết kế công viên công cộng rộng 4 hécta có thể chứa tới 1 triệu ga-lông ( tương đương 3,79 triệu lít) nước mưa tại Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok. Bà cho biết các trang trại trên sân thượng sẽ không còn là điều mới lạ bởi đây là một giải pháp đơn giản và hiệu quả nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Theo Liên hợp quốc, với hơn 2/3 dân số thế giới dự báo sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050, nông nghiệp đô thị có thể đóng vai trò rất quan trọng. Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái cho thấy các trang trại đô thị có thể đáp ứng gần như toàn bộ lượng tiêu thụ rau củ quả của người dân thành phố, trong khi giúp giảm lãng phí thực phẩm, cũng như giảm khí thải từ việc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp./.