Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ (Bài 1)

Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ (Bài 1)
Để làm rõ vấn đề này , phóng viên Thông tấn xã thực hiện loạt bài về Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ . Xin trân trọng giới thiệu sau đây .
 
Bài 1: Thành phố Hồ Chí Minh - Phát triển trong . . . ngập lụt
 
Nghịch lý này không phải là câu chuyện “ví von” trên giấy mà đang diễn ra  tại Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước, đô thị “dễ bị tổn thương nhất” trong biến đổi khí hậu mang tính “liên vùng” ở khu vực Nam Bộ.
 
Một trong những vấn đề mà Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có hơn 1.000 tuyến đường thủy với hệ thống sông ngòi chằng chịt đang phải đối mặt  là sạt lở.
HIện trường một vụ sạt lở làm cuốn trôi nhà cửa cùng tài sản ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/6/2017. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
HIện trường một vụ sạt lở làm cuốn trôi nhà cửa cùng tài sản ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/6/2017. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Huyện Nhà Bè là nơi tiếp giáp sông lớn và cửa biển của thành phố. Cuối tháng 5/2017, tại huyện Nhà Bè đã xảy ra vụ sạt lở đường dân sinh sát sông Rạch Tôm tại xã Nhơn Đức với vết nứt dài 40m, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Sau đó, vào ngày 26/6/2017, tiếp tục xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại bờ sông Kinh Lộ thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước khiến nhiều công trình phụ của người dân bị cuốn trôi xuống sông. Khu vực xảy ra sạt lở nằm sát bờ sông có chiều dài khoảng 60m, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m.
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè, trên địa bàn huyện còn 6 điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở. Đại diện Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn còn 40 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch; trong đó mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm thì ở Quận 2 có 3 điểm, quận Bình Thạnh có 3 điểm, huyện Nhà Bè 11 điểm…

Để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông vận tải thành phố đang triển khai các dự án tại 35 vị trí sạt lở. Đến nay, ngành chức năng đã triển khai được 22 dự án tại 17 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 5 vị trí nguy hiểm.
 
Không chỉ có sạt lở, Thành phố Hồ Chí Minh còn phải đối mặt với triều cường diễn biến ngày càng phức tạp. Triều cường xuất hiện không những làm đảo lộn đời sống người dân mà còn gây thiệt hại nặng về hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Trong nhiều năm qua, tình trạng ngập do triều cường đã trở nên quen thuộc với người dân thành phố.
 
Nếu như trước đây, triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh thường ở mức thấp, mực nước triều chỉ dâng cao vào những tháng cuối năm thì hiện nay triều cường xuất hiện quanh năm, thường xuyên vượt mức báo động 3, có khi lên trên 1,7 m, gây ngập nhiều khu vực.
 
Ngoài một số địa bàn trũng thấp thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường như khu vực Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Lương Định Của, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương... thì hiện nay triều cường dâng cao có thể gây ngập nhiều tuyến đường thuộc Quận 1 vốn là khu vực ở vị trí cao, được trang bị đầy đủ hệ thống thoát nước.
 
Lý giải về diễn biến bất thường của triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường cho biết: Triều cường diễn biến ngày càng bất thường là do nhiều nguyên nhân, trong đó có biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng, nước biển dâng tạo nên triều cường, có những điểm rất biến động, năm sau cao hơn năm trước. Quá trình đô thị hóa nhanh làm triều cường vốn gọi là triều lành trở thành triều dữ với nhiều bất thường, có nơi dâng cao, nơi tạo thành những xoáy nước gây ngập nghiêm trọng.
 
Để giải quyết vấn đề ngập nước do triều cường, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Dự án chống ngập cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí MInh. Ảnh: Hoàng Hải –TTXVN
Dự án chống ngập cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí MInh. Ảnh: Hoàng Hải –TTXVN
 
Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm điều hành Chương trình Chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của dự án là giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn thành phố với diện tích khoảng 570 km2 và hỗ trợ thoát nước cho hệ thống thoát nước hiện hữu khi mưa lớn kết hợp triều cường cao. Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và xây dựng 68 cống nhỏ dưới đê bao, 78 đê bao sung yếu khu vực sông Sài Gòn.
 
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá đề xuất: Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng những đô thị vệ tinh ở vùng cao phía Tây Bắc, Đông Bắc, hướng huyện Củ Chi, Hóc Môn và những khu vực giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai vì đây là những khu vực cao, ít bị ngập. Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa quá trình đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Tây, Tây Nam của thành phố; tích cực quy hoạch, xây dựng các hồ điều tiết nước tự nhiên tại chỗ và ở khu vực gần nội đô để chứa nước khi triều cường dâng cao.
 
Bàn về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Hà Minh Châu, Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ năm 2009, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thành lập Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu. Cùng với đó, thành phố đã lập kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như lồng ghép các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu vào chương trình giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
 
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã tham gia vào mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Thành phố đã mở rộng hợp tác với thành phố Rotterdam (Hà Lan) để thực hiện chương trình thành phố phát triển hướng về phía biển (phía Nam) thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời hợp tác với thành phố Osaka (Nhật Bản) thực hiện chương trình Quản lý tổng thể chất thải bao gồm thu hồi năng lượng và chương trình Phát triển thành phố phát thải carbon thấp./.
 Nguyễn Xuân Dự
Thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Nam Bộ (Bài 2): Đất liền ngập dần trong nước
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm