Đó là kiến nghị của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị Sơ kết 1 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chiều 12/3/2018.
PGS.TS, Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định chất lượng rau trước khi đưa vào chuỗi thực phẩm an toàn tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh Đinh Hằng – TTXVN |
Trong năm qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy lùi thực phẩm bẩn và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người dân thành phố. Cụ thể, Ban đã tổ chức lấy 3.649 mẫu thực phẩm để giám sát nguy cơ; kiểm tra 967 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 174 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy gần 50.000 kg thực phẩm mất an toàn. Song song với chống thực phẩm bẩn, Ban cũng chú trọng xây dựng, phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn nhằm mang đến lựa chọn cho người tiêu dùng. Đến nay, Ban đã cấp 174 Giấy chứng nhận cho 79 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi thực phẩm an toàn thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng trên 91.000 tấn/năm. Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vẫn chưa thể làm thay đổi "bức tranh" an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bởi còn nhiều bất cập trong xử lý vi phạm, nhất là đối với các mặt hàng nông sản tươi sống. Việc xử lý hàng tươi sống đòi hỏi phải có sự đầu tư từ khâu kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt… Quy trình xử lý vẫn còn nhiều phức tạp, không theo kịp thực tế, gây khó khăn cho đội ngũ thanh kiểm tra và tạo tâm lý cầu an, né tránh. Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y vẫn còn lỏng lẻo, mức phạt chưa đủ tính răn đe khiến các cơ sở vẫn "dửng dưng" vi phạm và tái phạm.
PGS.TS, Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định chất lượng cá trước khi đưa vào chuỗi thực phẩm an toàn tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh Đinh Hằng – TTXVN |
Từ thực tế này, bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị bổ sung những quy định kiểm soát từ nguồn, từ quá trình nuôi trồng, sản xuất đến khâu thu hoạch, chế biến nhằm ngăn chặn vi phạm từ đầu. Ngoài ra, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng hy vọng có mô hình thanh tra của riêng Ban Quản lý An toàn thực phẩm bởi với chức năng nhiệm vụ như hiện nay, đội ngũ khó xử phạt vi phạm. Ghi nhận nỗ lực của tập thể Ban Quản lý An toàn thực phẩm trong năm đầu tiên thí điểm, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những việc Ban đã làm trong năm qua chứng minh chủ trương của UBND Thành phố đề xuất Chính phủ thành lập Ban là đúng đắn, hợp lý. Để phát huy cao nhất hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm cho thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cần phát huy hiệu quả các mô hình mới, cách làm hay.
PGS.TS, Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (thứ 4 từ trái qua) và các đại biểu tham gia Hội chợ xanh 2018. Ảnh Đinh Hằng – TTXVN |
Trong đó, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, cần tạo các tuyến thông tin tuyên truyền, kiên quyết trong xử lý các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; chuẩn hóa năng lực cán bộ, tập huấn nâng cao trình độ, xây dựng đạo đức nghề nghiệp, chống tiêu cực trong quá trình quản lý kiểm tra an toàn thực phẩm.
Đinh Hằng