Phụ nữ Đồng Nai nói không với “rau hai luống, lợn hai chuồng”

Phụ nữ Đồng Nai nói không với “rau hai luống, lợn hai chuồng”
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai Lê Thị Thái, phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì họ là người trực tiếp chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình thông qua những bữa ăn hằng ngày. Trong sản xuất, kinh doanh, phụ nữ có mặt ở tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm, hàng hóa nên họ là những người giám sát, là người tiên phong trong việc ưu tiên lựa chọn sản phẩm hàng hóa chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, nâng cao nhận thức và hành động của phụ nữ là việc làm rất cần thiết trong vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho toàn xã hội.

Hiện nay, vì một số lý do, lợi ích kinh tế trước mắt, người trồng rau sử dụng bừa bãi các hóa chất bảo vệ thực vật đã làm tích lũy dư lượng lớn hóa chất độc hại trong các loại thực phẩm. Tình trạng người dân chăn nuôi, trồng trọt thành hai khu vực, nơi dành cho gia đình sử dụng và một nơi để bán ra ngoài thị trường còn diễn ra. Tình trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các hội phụ nữ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã chỉ ra và cam kết sẽ thực hiện đúng mục tiêu “Không trồng rau hai luống, không nuôi lợn hai chuồng” để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, coi sức khỏe của cả cộng đồng như bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai, trong 3 năm gần đây, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng cả về số ca mắc và số người tử vong. Năm 2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 170 người mắc; năm 2016 xảy ra 5 vụ với hơn 200 người mắc. Riêng năm 2017 có 8 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 300 người mắc, đặc biệt có 1 người tử vong. Từ đầu năm 2018 đến nay, 2 vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra với 118 người mắc, đáng chú ý cả 2 vụ này đều là ngộ độc do món ăn chế biến từ nấm.
 
Lê Xuân

Có thể bạn quan tâm