Thế giới chung tay chống ô nhiễm nhựa

Thế giới chung tay chống ô nhiễm nhựa
Từ lâu, ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đã được coi là một trong những thách thức môi trường lớn nhất của thế giới ngày nay. Theo thống kê, mỗi năm hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên thế giới. Trên 90% nhựa thải ra không được tái chế và chúng đang tích lũy ngày càng nhiều cả trên đất liền và trên biển. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”.

Thực trạng đáng báo động

Báo cáo mới nhất do Liên hợp quốc công bố trong tháng này cho biết, mỗi năm có hơn 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe tải chở đầy nhựa đổ ra biển. Trong khi đó, mỗi năm thế giới sử dụng tới 5.000 tỷ túi nilon, mà một chiếc túi nilon cần ít nhất 500 năm để phân hủy. Những rác thải nhựa và túi nilon này đang chiếm tới 80% rác thải trong các đại dương hiện nay.

Các nhà khoa học ước tính với tỷ lệ hiện tại, vào năm 2050, các đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá và 99% các loài chim biển sẽ phải ăn nhựa. Hậu quả từ rác thải nhựa là môi trường biển bị ô nhiễm nặng nề. Các loài sinh vật biển, ngành thủy sản và du lịch sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, trong khi hệ sinh thái đại dương bị tàn phá thiệt hại lên tới hàng tỷ đôla Mỹ.

Một con rùa biển bị mắc kẹt trong rác nhựa (Ảnh: Telegraph)
Một con rùa biển bị mắc kẹt trong rác nhựa (Ảnh: Telegraph)

Trên Thái Bình Dương, hỗn hợp những loại rác thải nhựa trôi nổi đã tạo thành một “đảo rác” ở khu vực giữa Hawaii và Bắc Mỹ. Trong vòng 40 năm qua, diện tích của đảo rác này liên tục tăng, tính đến nay đã rộng hơn trước 100 lần. Biển Địa Trung Hải cũng bị ô nhiễm nặng nề khi ước tính có tới 250 tỷ mảnh nhựa trôi nổi. Để lọc sạch những mảnh nhựa trong nước biển Địa Trung Hải, phải mất tới 90 năm.

Cuối tuần qua, cái chết của một con cá voi hoa tiêu ở Thái Lan đã trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh mới nhất về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương. Con cá voi này đã qua đời vì nuốt phải 80 chiếc túi nilon. Chính những chiếc túi này đã khiến con cá voi không thể ăn bất cứ thức ăn dinh dưỡng nào khác. Trong khi đó, có nghiên cứu cho rằng, những người ăn hải sản không biết rằng mình đang tiêu thụ hơn 11.000 mảnh nhựa vụn mỗi năm, do nhựa có trong dạ dày của những loài sinh vật biển.

Cần thay đổi thói quen

Tại nhiều nơi trên thế giới, người dân có thói quen sử dụng túi nilon một cách bừa bãi. Chính điều này đã khiến ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Trung Quốc là nơi thải ra nhiều túi nilon nhất, theo sau là Liên minh châu Âu và Mỹ. Có nghiên cứu chỉ ra rằng những quốc gia đang thải rác thải nhựa nhiều nhất đều ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Sri Lanka và Thái Lan.

Chưa đầy 10% trong số nhựa chúng ta đang dùng hàng ngày được tái chế. Do đó, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia nên xem xét cấm hoặc đánh thuế các loại túi nilon, nhựa dùng một lần nhằm giảm gánh nặng ô nhiễm đối với môi trường tự nhiên, động vật hoang dã và sức khỏe của chính chúng ta.

Trước hết, người dân cần phải thay đổi thói quen trong cuộc sống hàng ngày. “Nếu bạn không thể tái sử dụng chúng, hãy từ chối chúng”, ông Erik Solheim, người đứng đầu của cơ quan môi trường Liên hợp quốc kêu gọi người dân trên toàn thế giới.

Ít nhất 50 quốc gia trên toàn thế giới hiện đang có những biện pháp thiết thực nhằm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa, theo báo cáo của Liên hợp quốc. Tháng 4 năm nay, Anh tuyên bố sẽ cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bông ngoáy tai, ống hút nhựa… với hy vọng sẽ thuyết phục các nước cùng tham gia cuộc chiến chống rác thải nhựa. Trước đó, với việc tính phí sử dụng túi nilon, Anh đã giảm được 9 tỷ chiếc túi nilon.

Liên minh châu Âu hiện đang nghiên cứu đề xuất cấm sử dụng ống hút nhựa, dao kéo nhựa. Trong khi đó tại Trung Quốc, túi nilon đã bị cấm hoàn toàn, thay vào đó là các loại túi phân hủy sinh học.

Rất nhiều quốc gia châu Phi đã cấm sử dụng hoàn toàn túi nilon hoặc đang xem xét cấm. Tại Kenya, sử dụng và sản xuất túi nilon có thể bị phạt đến 4 năm tù giam hoặc phải nộp tiền phạt.

Ấn Độ, Canada và Australia đều đã cấm sử dụng túi nilon ở nhiều nơi trên toàn quốc. Tại Cameroon, túi nilon bị cấm và các hộ gia đình được trả tiền để thu thập chất thải nhựa. Maroc đã thay túi nilon bằng túi vải.
Theo tuoitrethudo.com.vn

Có thể bạn quan tâm