Bản Huồi Máy, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) không có bậc học mầm non nên các thầy giáo cắm bản nơi đây phải rèn từng nét chữ cho học trò khi vừa vào lớp 1. Với học sinh và dân bản Huồi Máy, các thầy giáo cắm bản đã trở thành những thành viên không thể thiếu trong cộng đồng…
Huồi Máy từng là một bản riêng biệt ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An). Cách đây vài năm, cụm dân cư này gồm 37 hộ dân, trong đó có 35 hộ dân tộc Khơ Mú được sáp nhập với bản Cắm Pọm; nằm cách bản chính và trung tâm xã khoảng 20 km, đường đi lại rất khó khăn, để vào được trung tâm xã phải đi bộ mất 3 giờ đồng hồ.
Điểm trường Huồi Máy thuộc Trường tiểu học 2 xã Cắm Muộn, lọt thỏm giữa bốn bề núi non, giao thông khó khăn và chưa có sóng điện thoại. Giữa sân trường, các em được thầy giáo hướng dẫn trò chơi. Không khí vui nhộn khiến thầy trò gần như chẳng còn khoảng cách. Từ năm 2020, thầy Lô Văn É gắn bó với điểm trường Huồi Máy, được giao phụ trách lớp ghép 1 và 2. Ngoài dạy trò đọc, viết, thầy É còn kiêm luôn bộ môn thể dục và hướng dẫn các em trò chơi. Hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, thầy É trải qua nhiều năm cắm bản ở một số trường tại xã biên giới Tri Lễ, cũng là vùng đặc biệt khó khăn. Về với Huồi Máy tiếp tục cắm bản, với thầy É cũng là một điều rất đỗi bình thường. Nhưng tất cả học sinh ở Huồi Máy đều không qua bậc học mầm non nên khi vào lớp một, giáo viên phải giúp học trò làm quen với con chữ từ đầu.
Thầy giáo Lô Văn Thanh đang phụ trách lớp 3 và 5 đã gắn bó liên tục với cụm dân cư Huồi Máy từ năm 2009. Với hầu hết người dân ở Huồi Máy, thầy Thanh đã trở nên quá đỗi quen thuộc. 47 năm tuổi đời, 25 năm tuổi nghề thì hơn nửa sự nghiệp giảng dạy của thầy Thanh gắn liền với Huồi Máy. Người dân Huồi Máy quen với sự hiện diện của thầy giáo Thanh tại bản như là một thành viên trong cộng đồng.
Thầy Lô Văn Thanh tâm sự: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân và học trò nơi đây rất yêu mến các thầy giáo. Đó cũng là lý do khiến tôi gắn bó lâu dài với địa bàn này. Dù có muốn chuyển ra địa bàn thuận lợi hơn nhưng khi vắng tôi, học trò không chịu đến lớp. Vì tình cảm đó, tôi sẽ tiếp tục ở lại với các em bản Huồi Máy”.
Ngoài giờ dạy, các thầy thường đến các gia đình trong bản vừa thăm hỏi phụ huynh vừa giúp học sinh ôn lại bài cũ. Ông Ốc Văn Sinh, người dân trong bản cho biết: "Nhiều ngày các thầy giáo còn chia sẻ gạo cho những học sinh thiếu đói. Thầy Thanh không ít lần cắt tóc cho các em hay tự tay khâu vá khi quần áo các cháu bị rách".
Trong một ngôi trường xa xôi giữa bốn bề núi non, khe suối như Huồi Máy, cần nỗ lực lớn và lòng yêu nghề, mến trẻ của những giáo viên vùng cao.
Đình Tuyên