Điểm trường Đèo Ải là điểm trường xa và khó khăn nhất trong 6 điểm trường của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Điểm trường này muốn đến được phải vượt đường đèo dốc, gập ghềnh đất đá, hoặc phải đi thuyền qua hồ Liệt Sơn sau đó đi bộ vượt suối, đèo dốc. Khó khăn, vất vả là vậy, hằng ngày, cô giáo Phạm Thị Thơm (sinh năm 1977) vẫn miệt mài giảng dạy cho những học trò nghèo.
Một ngày giữa tháng 11, theo chân Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Trang Nguyễn Minh Hải, chúng tôi đến với điểm trường Đèo Ải, nơi cô Phạm Thị Thơm (người dân tộc H'rê) đang giảng dạy tại điểm trường này. Thầy Hải cho biết có hai cách để đến điểm trường Đèo Ải. Hiện đang là mùa mưa lũ, đường bộ duy nhất cách trường chính 17 km là tuyến đường đất, nhiều đèo, dốc, trơn trượt. Chúng tôi phải đi đường bộ 26 km đến hồ Liệt Sơn, sau đó đi thuyền hơn 30 phút qua hồ, rồi tiếp tục đi bộ hơn 2 km vượt qua nhiều đoạn suối sâu, đường mòn trơn trượt vắt vẻo bên triền núi.
Tuy nhiên, đi bộ vượt bao đèo dốc, suối sâu vẫn không lo sợ bằng cảm giác đi thuyền vượt qua hồ Liệt Sơn. Chiếc thuyền mộc nhỏ có gắn máy (vốn là thuyền người dân sử dụng để đi đánh cá, nơi đây không có bến thuyền chuyên dụng) chở được khoảng 5 người tròng trành, mong manh giữa hồ lớn mênh mông. Đây cũng chính là con đường đến trường mà các thầy, cô giáo “cắm bản” phải vượt qua trong mùa mưa. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của giáo viên và công tác giảng dạy nơi đây. Giáo viên thường phải đến trường từ sáng thứ 2 nhưng đến chiều thứ 6 mới được về với gia đình.
Thầy Hải cho biết: Những ngày thời tiết nắng ráo, giáo viên và người dân địa phương sẽ đi xe máy qua con đường đất bên kia, dù đèo dốc khó khăn nhưng nhanh hơn. Mùa mưa đường đất trơn trượt, sình lầy, nguy cơ ngã xe rồi rơi xuống vực rất cao. Do đó, đi thuyền tuy nguy hiểm nhưng vẫn tốt hơn. Mặc dù vất vả, hiểm nguy, nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, mong các em có cái chữ để đổi mới tư duy, cải thiện cuộc sống về sau, giáo viên trong trường thay phiên nhau cắm bản, mang con chữ đến với học trò.
Vất vả hơn một giờ di chuyển, chúng tôi đã đến điểm trường Đèo Ải. Điểm trường được một nhà tài trợ đầu tư xây dựng với một phòng học bê tông và một phòng ở cho giáo viên. Điểm trường này có 9 học sinh, trong đó có 7 học sinh lớp 1 và hai em lớp 2. Từ lớp 3, các em sẽ phải đến trường chính để học và được ở bán trú. Vì điều kiện khó khăn, học sinh ít, các em được học lớp ghép 1,2 và do cô Phạm Thị Thơm đảm nhiệm.
Cô Thơm đã có hơn 26 năm công tác giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Ba Trang. Cô đã dạy ở tất cả các điểm trường trên địa bàn xã. Nếu như không yêu nghề và yêu thương học trò, chắc chắn cô Thơm cũng như những giáo viên nơi đây không có đủ sức mạnh và sự gan dạ để vượt qua khó khăn. “Cung đường rừng, nhiều đèo dốc, trơn trượt, lầy lội, vô cùng khó khăn với giáo viên nam, còn với các giáo viên nữ đúng là một cực hình. Là người dân tộc H’rê, vốn đã quen với cuộc sống vùng cao khó khăn, nhưng nhiều lúc, tôi cũng không tưởng tượng được con đường gieo chữ của mình lại gian nan đến vậy. Đến nay, tôi không nhớ là mình đã bị ngã xe bao nhiều lần nữa”, cô Thơm chia sẻ.
Điểm đặc biệt là các em học sinh tại điểm trường Đèo Ải không được học mầm non. Do đó, khi bước vào lớp 1, giáo viên phải chỉ cho các em cách cầm bút, cầm tay mỗi em nắn từng nét chữ, chỉ cho các em cách làm quen với Tiếng Việt, nề nếp khi đến lớp. Do đó, để các em bắt kịp kiến thức, cô Thơm đã xin phép lãnh đạo nhà trường ưu tiên dạy môn Tiếng Việt và môn Toán cho các em, các môn học khác các em vẫn được học nhưng sẽ giảm thời lượng xuống.
"Học sinh ở điểm trường này thiệt thòi rất nhiều, không được học mầm non, nơi đây không có điện, không có tivi, điện thoại. Do đó, các em không được làm quen với những phương pháp giảng dạy hiện đại. Chúng tôi phải viết bảng và sử dụng tranh ảnh minh họa. Điều quan trọng nhất là giúp các em đọc thông viết thạo và biết tính toán vững để khi lến lớp 3, các em ra điểm trường chính học có thể theo kịp các bạn”, cô Thơm nói.
Xa gia đình, bạn bè có lẽ là nỗi đáng sợ duy nhất của giáo viên cắm bản. Bởi vậy, dù có đi xa bao lâu, khó nhọc bao nhiêu, họ vẫn không nguôi nỗi nhớ về gia đình. Cô Thơm chia sẻ: “Trường nằm sâu trong núi. Cứ mỗi chiều các em tan học, chào tạm biệt trở về nhà, tôi lại đứng dựa cửa nhìn theo. Khi nhớ gia đình mà không thể về, tôi phải leo lên núi cao để “dò sóng” gọi điện về nhà. Khi đang ở trường, muốn thông báo bất kỳ việc gì cho các em, tôi phải trực tiếp đi vào bản vì không thể gọi điện cho phụ huynh học sinh như những nơi khác”.
“Hiện đời sống của bà con H’rê ở Đèo Ải còn rất khó khăn, chủ yếu là sống tự cung tự cấp. Điều tôi mong muốn nhất là luôn khỏe để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người, tiếp tục dạy chữ cho các em học sinh nơi đây, để mai sau các em có thể có việc làm ổn định, trở thành những công dân có ích, góp phần xây dựng quê hương, giúp Đèo Ải vơi bớt khó khăn”, cô Thơm tâm sự.
Đời sống của bà con Đèo Ải dù còn nghèo, đường đi lại rất khó khăn, nhưng các em nhỏ ở Đèo Ải rất ham học. Phụ huynh nơi đây tạo mọi điều kiện để con em được đến trường. Anh Phạm Văn Huê, tổ trưởng tổ Đèo Ải cho biết: Các con lớp 1,2 được học tại điểm trường này. Cô Thơm đến dạy, nắn nót từng nét chữ, nếp người, phụ huynh chúng tôi rất vui. Từ lớp 3, dù các cháu chưa biết tự chăm sóc, bảo vệ bản thân nhưng vì cái chữ phải xa gia đình ở lại trường cả tuần. Để con có được cái chữ, thay đổi cuộc đời, không để con vất vả như đời mình, dù có khó khăn đến mấy cũng phải cho con đi học.
Hiệu trưởng Nguyễn Minh Hải cho biết: Trường có 442 học sinh, trong đó có 133 học sinh bán trú. Cùng với điểm chính, trường còn có 6 điểm lẻ. Đèo Ải là điểm trường lẻ dạy học cho học sinh lớp 1,2 của hai tổ Đèo Ải và Đồng Lớn thuộc thôn Nước Đang. “Trước mỗi năm học, nhà trường sẽ tổ chức các cuộc họp để thảo luận, phân công công tác cho giáo viên. Để đảm bảo tính công bằng, dân chủ, sẽ có sự luân phiên “cắm bản” tại các điểm trường. Tuy nhiên, Đèo Ải là điểm trường làm cho nhiều giáo viên “ngại” nhất, đặc biệt là các giáo viên có con nhỏ, vì mùa mưa các giáo viên phải ở lại điểm trường nhưng nơi đây thiếu thốn rất nhiều.
“Đây là năm học thứ 2 liên tiếp cô Phạm Thị Thơm xung phong “cắm bản” tại điểm Đèo Ải. Nếu không có những giáo viên chịu khó, chịu khổ, tinh thần trách nhiệm cao như cô Thơm, việc nâng cao chất lượng giáo dục, nề nếp giáo dục của địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn. Sự cống hiến của cô Phạm Thị Thơm không thể kể hết bằng lời. Ban Lãnh đạo Nhà trường rất trân trọng tinh thần nhiệt huyết của cô Thơm và luôn lấy cô Thơm làm gương để những giáo viên khác noi theo”, thầy Hải nhấn mạnh.
Đinh Hương