Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện phân loại rác tại nguồn ở Thành phố Hồ Chí Minh

Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện phân loại rác tại nguồn ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nhiều bất cập khi triển khai
Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện phân loại rác tại nguồn ở quận 12, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết: Từ năm 2015, quận đã triển khai thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 2 khu phố phường Tân Thới Hiệp với 3 đối tượng, gồm hộ dân ở mặt tiền đường, hộ trong hẻm và hộ ở nhà trọ. Năm 2016 có thêm 4.500 học sinh ở trường học tham gia phân loại rác tại nguồn. Đến năm 2017 có khoảng 30% hộ dân trên toàn địa bàn quận thực hiện phân loại rác. Khó khăn của địa phương đang gặp phải là người dân chưa có thói quen thực hiện phân loại rác, việc tập trung lực lượng của 119 đơn vị thu gom rác dân lập để tuyên truyền và tập huấn về phân loại rác gặp nhiều trở ngại.
Chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: thanhuytphcm.vn
Chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: thanhuytphcm.vn
 
Trong khi đó, đại diện cho các đơn vị thu gom rác dân lập, ông Lý Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bảo Tín, một trong những đơn vị thu gom rác ở huyện Hóc Môn cho rằng: Lực lượng thu gom dân lập chỉ có sự chuẩn bị bước đầu chứ chưa thật sự nắm vững quá trình phân loại rác tại nguồn, hợp tác xã không có đủ kinh phí đầu tư phương tiện nhằm thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Hiện đơn vị có hơn 100 xe thu gom, vận chuyển, nếu thực hiện thay đổi phương tiện mới thì cần đầu tư đến 50 tỷ đồng, đây là kinh phí quá lớn đối với một đơn vị thu gom rác dân lập. Đồng thời đơn giá thu gom rác thải sinh hoạt hiện nay còn thấp, không đảm bảo thu nhập của công nhân vệ sinh và đơn vị cũng không có kinh phí để đầu tư thay đổi phương tiện.
 
Ở góc độ người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, bà Lê Minh Huệ ở quận Phú Nhuận phản ánh: Một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện phân loại rác tại nguồn còn hạn chế là đơn vị thu gom dân lập.

Nhiều gia đình sau khi được vận động đã thực hiện phân loại rác nhưng người thu gom lại bỏ tất cả rác đã phân loại vào chung một xe vận chuyển. Mỗi quận, huyện hiện nay chỉ thực hiện phân loại rác ở một số phường, xã, còn những nơi khác chưa thực hiện nên không có sự đồng bộ và người dân không duy trì được thói quen phân loại.
 
Theo bà Lê Minh Huệ, ban đầu các hộ dân thực hiện phân loại được phát túi ni lông có màu khác nhau để phân loại rác, sau khi thực hiện một thời gian thì không còn được hỗ trợ túi đựng rác, phải tự bỏ rác đã phân loại vào các túi ni lông có sẵn tại nhà nên người thu gom khó phân biệt được loại rác.
  
Tháo gỡ khó khăn bằng nhiều giải pháp
Đề xuất giải pháp thực hiện phân loại rác tại nguồn hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: Công tác tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn phải được thực hiện với mục đích thay đổi hành vi người dân và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Ở công đoạn nào thực hiện tốt thì cũng có tác dụng góp phần thực hiện hiệu quả quá trình phân loại rác tại nguồn, vì nếu người dân phân loại rác mà người thu gom bỏ chung vào xe thu gom thì họ cũng dễ lựa rác tái chế để bán, như vậy cũng là thực hiện phân loại ở khâu thu gom, góp phần giảm chôn lấp rác thải khó phân hủy.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tham quan mô hình phân loại rác tại nguồn ở phường Bến Nghé, Quận 1. Ảnh: thanhuytphcm.vn
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tham quan mô hình phân loại rác tại nguồn ở phường Bến Nghé, Quận 1. Ảnh: thanhuytphcm.vn
 
Việc các đơn vị, doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải thay đổi phương tiện phù hợp để thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng là một đề cần sớm được giải quyết.

Về vấn đề này, ông Đặng Quế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí ô tô chuyên dùng An Lạc (Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn) cho biết: Xí nghiệp đã chế tạo thành công xe vận chuyển và ép rác loại nhỏ có thể lưu thông trong các cung đường nhỏ hẹp và các tuyến hẻm, có thể sử dụng xe để thu gom từng loại chất thải rắn riêng biệt, thay thế phương tiện thu gom cũ kĩ, lạc hậu hiện nay. Xí nghiệp đang tính toán để xe có giá thành phù hợp nhất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị thu gom dân lập chuyển đổi phương tiện theo hướng hiện đại.
 
Trao đổi về các giải pháp khắc phục bất cập trong phân loại rác tại nguồn, bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: UBND thành phố cần sớm ban hành quyết định về giá dịch vụ thu gom rác, cũng như tổ chức quản lý lực lượng thu gom rác tại địa phương, hoàn chỉnh thủ tục hỗ trợ vay vốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị thu gom rác dân lập chuyển đổi phương tiện thu gom và vận chuyển hiện đại, hiệu quả hơn.

Mặt khác, cần có những chế tài đối với hộ dân, địa phương và đơn vị thu gom không thực hiện phân loại rác tại nguồn, đồng thời khen thưởng kịp thời những khu vực, mô hình thực hiện hiệu quả chương trình phân loại rác tại nguồn.
 
Ở góc độ cơ quan tham mưu và quản lý chuyên môn, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết: Sở và các Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của Nghị định 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Bên cạnh đó, Sở sẽ phổ biến cho các doanh nghiệp, đơn vị thu gom dân lập biết về hỗ trợ cho vay lãi suất chỉ 4,9%/năm từ Quỹ bảo vệ môi trường của Sở nhằm thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải.
 
Đánh giá về chương trình phân loại rác tại nguồn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần thực hiện xử lý rác tạo ra năng lượng thông qua công nghệ điện rác, sản xuất phân bón không ảnh hưởng đến môi trường sử dụng trong nông nghiệp.

Vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư giải pháp công nghệ xử lý điện rác, nhằm xử lý 2 địa điểm đã chôn lấp rác lâu năm ở bãi Gò Cát và bãi Đông Thạnh, vừa làm cho các bãi chôn lấp không ảnh hưởng đến môi trường vừa tạo ra năng lượng.
 
Ông Trần Vĩnh Tuyến đề xuất: Công tác tuyên truyền phải được thay đổi theo hướng cụ thể, dễ hiểu. Đối với học sinh thì công tác tuyền truyền phải có tính trực quan như đưa các em đến tham quan mô hình xử lý rác thành điện năng ở bãi rác Gò Cát...

Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm tổ chức rà soát công tác thực hiện Quyết định 1832 của thành phố về kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó tập trung vào trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.
  Nguyễn Xuân Dự
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm