Bài 4: Kết nối doanh nghiệp nội - ngoạiHình thành chuỗi cung ứng nội địa Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả cũng như kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, đầu năm 2014, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đối tác Nhật Bản xây dựng Khu kỹ nghệ Việt Nhật nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước với diện tích 13 ha, tổng mức đầu tư 31 triệu USD.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN |
Ông Kimura Jinjiro, Giám đốc Khu kỹ nghệ Việt Nhật cho biết, Khu kỹ nghệ Việt Nhật được thành lập với mục đích thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản trên cơ sở cung ứng dịch vụ trọn gói từ nhà xưởng xây sẵn theo tiêu chuẩn Nhật Bản, nghiệp vụ quản lý đến thủ tục pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp. Sau 5 năm thành lập, Khu kỹ nghệ Việt Nhật đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, thu hút được 15 doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, sản xuất trong các lĩnh vực cơ khí chính xác, công nghệ cao, trở thành vườn ươm cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản tại Việt Nam. Thông qua việc cung ứng dịch vụ, khu kỹ nghệ Việt Nhật đã kết nối gần 200 doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết, cung ứng vật liệu, dịch vụ cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo ông Kimura Jinjiro, trong thời gian tới, Khu kỹ nghệ Việt Nhật sẽ tập trung vào việc làm cầu nối, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam nhằm thiết lập chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Việc hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng bộ của Khu công nghiệp Hiệp Phước nói chung, Khu kỹ nghệ Việt Nhật nói riêng đã góp phần khẳng định cam kết của lãnh đạo thành phố trong việc tạo điều kiện tốt nhất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khu kỹ nghệ Việt Nhật là hình mẫu để tạo ra những dự án tương tự trong tương lai nhằm tăng cường thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, các doanh nghiệp FDI nói chung đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp Nhật Bản được đánh giá cao trong việc đưa công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại vào Việt Nam, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố Hồ Chí Minh. Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng “làm bà mối” trong việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI và trong nước. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, gần đây Samsung đầu tư vào Khu có điểm tốt là họ rất chú trọng giúp Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng nội địa, cam kết nội địa hoá 35%. Vì vậy, Samsung tích cực phối hợp để phát triển chuỗi cung ứng nội địa, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ. Điển hình là Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên được chuyển giao công nghệ rất tỷ mỉ, cũng như có chuyên gia hướng dẫn cụ thể để tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu của họ. Hiện Minh Nguyên phát triển các sản phẩm nhựa, kim loại, khuôn mẫu và đang chuẩn bị làm bo mạch… với các công nghệ sản xuất được phía bạn chuyển giao. Samsung hiện có các nhà cung cấp trực tiếp là doanh nghiệp Việt Nam và khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam tham gia gián tiếp. Ngoài ra, trong khu còn có 5 doanh nghiệp Việt Nam đang được kiểm tra, đánh giá để làm nhà cung ứng cho Samsung. Từ thực tế của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoài Quốc cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI hiện nay tùy vào từng doanh nghiệp. Nổi bật như Công ty Jabil Việt Nam (Hoa Kỳ) đã nội địa hóa khoảng 35% với khoảng 200 nhà cung ứng trong nước; trong đó có những sản phẩm được cung cấp từ các doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… Bình quân chuỗi cung ứng nội địa của các doanh nghiệp FDI trong Khu công nghệ cao hiện nay, tập trung ở những doanh nghiệp lớn là khoảng 20%, bao gồm cả cung ứng trực tiếp và gián tiếp. Theo ông Lê Hoài Quốc, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công nghệ cao thành phố đều phải cam kết kết nối với ít nhất một doanh nghiệp Việt Nam để phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Trong quá trình đó, sẽ có kiểm tra và đánh giá cụ thể.
Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN |
Cần cơ chế ràng buộc Theo nhiều chuyên gia, việc chuyển giao công nghệ cũng như kết nối với doanh nghiệp trong nước và của các doanh nghiệp FDI tuy đã có nhiều cố gắng nhưng hiện còn rất khiêm tốn, bởi thực tế các doanh nghiệp này đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là tận dụng lợi thế về chính sách ưu đãi cũng như nhân công giá rẻ. Chia sẻ thẳng thắn với các nhà đầu tư nước ngoài trong cuộc gặp gỡ vào cuối tháng 4/2018 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tỷ lệ chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước không cao, trong cơ cấu đầu tư thì doanh nghiệp FDI vẫn ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hiện chiếm tới 43% tổng vốn đầu tư. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Việt Nam đang thu hút khá nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhưng việc chuyển giao, thẩm thấu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước chưa có sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới. Thêm vào đó, chính sách thu hút FDI của Việt Nam hiện nay vẫn theo xu hướng “trải thảm” mà chưa đưa ra các điều kiện ràng buộc doanh nghiệp FDI phải có trách nhiệm chuyển giao công nghệ hay hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, theo ông Chu Tiến Dũng, ở cấp quốc gia, Việt Nam chưa có một quy hoạch hay chiến lược cụ thể nào để thúc đẩy sự tương tác, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Số dự án chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hiện nay rất hiếm hoi và được thực hiện một cách cục bộ giữa các doanh nghiệp hoặc địa phương. Để khắc phục những hạn chế trên, ông Lê Hoài Quốc cho rằng, trong định hướng sắp tới, việc thu hút FDI cần được siết chặt hơn. Đó là, doanh nghiệp phải cam kết phát triển chuỗi cung ứng nội địa, như vậy mới thúc đẩy được quá trình chuyển giao công nghệ và phát triển được chuỗi cung ứng nội địa để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển lên được. Theo các chuyên gia kinh tế, cần xác định cấu trúc chuỗi giá trị của mỗi ngành và đánh giá khả năng, mức tham gia của doanh nghiệp bản địa. Từ đó, xác định lĩnh vực cần ưu tiên thu hút FDI. Ưu tiên thu hút FDI có khả năng bổ khuyết cho nền kinh tế hoặc những khâu giữ vai trò dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành mà doanh nghiệp bản địa không đảm đương được (hạn chế các FDI có tác động chèn lấn doanh nghiệp bản địa). Với định hướng đó, dễ dàng thúc đẩy các FDI hợp tác với doanh nghiệp bản địa hoặc lôi kéo thêm vệ tinh cung ứng đi theo (trường hợp doanh nghiệp bản địa không đáp ứng được). Theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, để tạo ra được sự cộng hưởng giữa FDI với doanh nghiệp bản địa, cần có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thực hiện các chính sách trợ giúp doanh nghiệp bản địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực… mới có thể liên kết với FDI, gia nhập vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Cùng quan điểm này, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, người có kinh nghiệm hơn 30 năm tham gia và theo dõi lĩnh vực này cho rằng, để nguồn vốn FDI phát huy hiệu quả thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, Nhà nước phải có cơ chế, chế tài cụ thể trong việc yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển giao. Mặt khác, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thông qua vay vốn, ưu đãi tiền thuê, mua đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn mạnh, đủ năng lực tiếp nhận công nghệ, chủ động sản xuất. Việc hỗ trợ doanh nghiệp không nên phân bổ đại trà mà chọn lọc những doanh nghiệp “hạt nhân”, các doanh nghiệp này khi lớn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác, tạo thành hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy sản xuất cho cả hệ thống doanh nghiệp trong nước. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Phan Chánh Dưỡng, thay vì đầu tư phát triển, mở rộng các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nên phân phối lại việc sản xuất cho các tỉnh thành lân cận để tập trung vào mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, tài chính, thương mại, dịch vụ đủ sức phục vụ cho nhu cầu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặt khác, việc kêu gọi FDI của Thành phố Hồ Chí Minh cũng không nên chỉ tập trung vào các dự án của thành phố mà cần đóng vai trò là cầu nối, phân phối nguồn vốn đầu tư cho các địa phương lân cận, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.
Anh Tuấn - Tiến Lực - Xuân Anh
Đón đọc bài cuối: Tạo "xung lực" mới cho dòng vốn FDI
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN