Thành phố Hồ Chí Minh ứng phó trước nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thành phố Hồ Chí Minh ứng phó trước nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, mặc dù hiện chưa phát hiện bệnh dịch ASF trên địa bàn, tuy nhiên do biến động của giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua, đã có hiện tượng thương lái nhập lậu thịt lợn, lợn con thương phẩm, vận chuyển trái phép vào Việt Nam để tiêu thụ. Điều này làm tăng nguy cơ xâm nhiễm ASF vào Việt Nam, trong đó có địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Dịch tả heo nguy hiểm nhưng không lây sang người. Nguồn: sggp.org.vn
Dịch tả heo nguy hiểm nhưng không lây sang người. Nguồn: sggp.org.vn
 
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND các quận, huyện trên địa bàn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và theo dõi, giám sát chặt tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh; giám sát việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn, nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhiễm và lây lan vào thành phố. 
 
Trong trường hợp phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng điển hình của ASF, các trường hợp vận chuyển, bán chạy gia súc mắc bệnh thì phải kịp thời báo ngay với cơ quan thú y để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh (nếu có); đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh. 
 
UBND các quận, huyện cũng cần khuyến cáo các cơ sở, trại chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tăng khả năng đề kháng của gia súc; thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng. Vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, đã qua kiểm dịch thú y.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố phối hợp với các đoàn liên ngành, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng cho đàn gia súc; đề xuất các biện pháp xử lý đối với các trường hợp không chấp hành tiêm phòng hoặc tình trạng dấu bệnh tại các cơ sở chăn nuôi cũng như đối với trường hợp nhập lợn không rõ nguồn gốc vào các cơ sở chăn nuôi.
 
Bên cạnh đó, cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình kiểm dịch và nhập gia súc vào cơ sở giết mổ; đảm bảo nguồn gia súc nhập có nguồn gốc, có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kiểm dịch theo đúng quy định, đặc biệt là nguồn gia súc từ các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc.
 
Hiện tại, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn lợn của mình.

Ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong cho biết, do ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến 100% nên người chăn nuôi đang rất lo lắng nếu bệnh dịch này xâm nhiễm vào Việt Nam.
 
Để chủ động phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện người nuôi đang tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để tăng khả năng đề kháng cho đàn lợn; đồng thời thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng trại.
 
Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cũng cho biết, đơn vị này đã in 15.000 tờ rơi thông tin về ASF để cung cấp cho các đối tác, người dân để nhận diện và nhận biết nguy cơ về bệnh dịch. Đồng thời hướng dẫn các trang trại tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để kiểm soát bệnh.
 
Theo ông Anan Lertwilai, Trung tâm Chẩn đoán và Cố vấn thú y thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, do ASF chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như có thuốc điều trị hiệu quả nên người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Theo đó, người nuôi nên chuyển sang nuôi kín; tăng cường biện pháp sát trùng xung quanh chuồng trại cũng như khi vào trại, kể cả nhân viên và xe vận chuyển; không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ…./.
 H.Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm