Chậm tiến độ dự án cửa ngõ Tại cửa ngõ phía Bắc thành phố hiện có 2 dự án trễ hẹn trước Tết Nguyên đán 2018 gồm dự án nút giao tại cổng chính Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và dự án bến xe Miền Đông.
Dự án bến xe miền Đông mới chỉ mới tiến hành san ủi nền đất. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN |
Cụ thể, dự án hoàn thiện nút giao tại cổng chính Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) làm chủ đầu tư, được khởi công từ ngày 24/4/2017. Dự án được đầu tư theo hợp đồng BOT, tổng vốn đầu tư 164 tỷ đồng. Đây là công trình quan trọng trên tuyến Xa lộ Hà Nội – Quốc lộ 1, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra vào giờ các điểm. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn tất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội (thuộc Tổng Công ty CII) cho biết, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác 2 cầu bắc qua Xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên phần hầm chui chưa thể tiến hành được do chưa có mặt bằng thi công làm đường song hành nhằm phân luồng giao thông. Vị trí khu đất đang vướng mặt bằng thuộc địa bàn phường Long Bình, quận 9 phía cuối Nghĩa trang thành phố kéo dài 400m tiếp giáp dự án bến xe miền Đông mới.
Trong khi đó, dự án bến xe miền Đông mới cũng không khả quan hơn là mấy. Dự án này nằm ở địa bàn giáp ranh giữa quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Samco) làm chủ đầu tư. Được khởi công xây dựng ngày 26/4/2017, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 (trước Tết Nguyên đán 2018) để dời toàn bộ bến xe miền Đông cũ tại quận Bình Thạnh.
Dự án nút giao tại cổng chính Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thể hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN |
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, gói thầu số 1 (hạ tầng kỹ thuật) đang tiến hành việc san nền, thi công các tuyến đường, lắp cống thoát nước… Gói thầu số 2 (hạng mục cọc đài và tầng hầm) đã đạt trên 80% khối lượng cọc. Chủ đầu tư đã hoàn tất công tác thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, đang chờ Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kế. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, trong khi Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã hoàn tất thì riêng trên địa bàn quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 2 hộ dân chưa bàn giao. Ngoài tra, các công trình giao thông kết nối xung quanh khu vực bến xe miền Đông cũng đang trong tình trạng thi công như cầu vượt trên Quốc lộ 1, đoạn trước bến xe, đường A8, mở rộng đường số 13 và đường Hoàng Hữu Nam. Khi hoàn thành, dự án bến xe miền Đông mới (tổng mức đầu tư 773 tỷ đồng) sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày cho khoảng 21.000 lượt hành khách và 1.200 xe xuất bến, ngày cao điểm Lễ, Tết lên đến 52.000 lượt hành khách với 1.800 lượt xe xuất bến. Cùng với đó, thành phố sẽ di dời các hoạt động bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), xóa bỏ tình trạng “xe dù, bến cóc”, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô. Còn ở cửa ngõ phía Tây Nam và Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh có 2 dự án trọng điểm cũng “trễ hẹn” là bến xe miền Tây mới và dự án hầm chui Ngã tư An Sương. Dự án bến xe miền Tây mới thuộc Khu E – Đô thị mới Nam thành phố tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do Tổng Công ty Samco làm chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư cũng chỉ mới phối hợp các cơ quan liên quan xác định ranh mốc dự án, lập quy hoạch chi tiết 1/500 với diện tích 24,33ha. Về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hiện nay UBND huyện Bình Chánh đã trình Hội đồng Thẩm định bồi thường đơn giá với 221 hồ sơ. Dự tính chi phí bồi thường lên tới hơn 1.100 tỷ đồng nên Tổng Công ty Samco đang gặp khó khăn trong thu xếp vốn để thực hiện. Ở cửa ngõ phía Tây Bắc, Ngã tư An Sương là một trong những điểm nóng về tai nạn và ùn tắc giao thông. Đây là nút giao giữa Quốc lộ 1, đường Trường Chinh, Quốc lộ 22, có bến xe khách liên tỉnh nên tập trung rất lớn xe khách, xe buýt, xe tải, xe container từ các tỉnh quá cảnh qua thành phố để ra Bắc hoặc về các tỉnh miền Tây. Đây còn là nút giao thông kết nối phía Tây thành phố (quận 12, huyện củ Chi, huyện Hóc Môn) với trung tâm thành phố và giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Tây Ninh. Vào ngày 17/1/2017, Khu quản lý giao thông đô thị số 3 thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) tổ chức thi công dự án hầm chui An Sương với tổng mức đầu tư hơn 514 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2018. Trong quá trình thi công, dự án phải rào chắn phần lớn diện tích mặt đường nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (chủ đầu tư, thuộc Sở Giao thông vận tải) cho biết, dự án đang vướng thi công khi tiến hành đào âm phần đất trên Quốc lộ 22. Vì thế dự án khó hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018.Đẩy nhanh tiến độ thi công Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông đang ngày càng phức tạp tại thành phố phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quyết định nhất vẫn là giải pháp công trình. Đối với các dự án triển khai trong năm qua chưa hoàn thành thì Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2017 ngành giao thông vận tải thành phố đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, xây dựng được 106km đường mới và 21 cây cầu, qua đó xoá được 4/37 điểm có nguy cơ ùn tắc. Trong năm 2018, Sở Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên tập trung việc triển khai có hiệu quả hạ tầng hiện hữu, đầu tư xây dựng theo quy hoạch và khai thác tốt hơn vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Dự án hầm chui Ngã tư An Sương thi công gây cản trở giao thông. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN |
Đối với việc triển khai dự án giao thông, ông Bùi Xuân Cường cho hay, sẽ tập trung đầu tư theo các hướng phát triển của thành phố về hướng Đông, Nam, Tây Bắc, Tây Nam, gắn với các khu đô thị; trong đó khu vực cảng Cát Lái (quận 2) đang triển khai 15 công trình. Thành phố cũng sẽ triển khai một số dự án kết nối các cửa ngõ thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, trong năm 2018 Sở Giao thông vận tải sẽ ưu tiên đầu tư một số dự án giao thông thuỷ trên hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, kết nối huyện Nhà Bè và quận 9. Còn theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố, trong thời gian qua thành phố đã đầu tư nhiều tuyến đường lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các dịch vụ hàng hóa ở các cảng biển gặp khó khăn như cảng Phú Hữu (quận 9), cảng Cát Lái (quận 2). Vì thế sắp tới thành phố sẽ sử dụng vốn ngân sách để mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ cảng Phú Hữu kéo dài đến vòng xoay đường Vành đai 2. Đối với dự án nút giao Mỹ Thuỷ (quận 2), dự kiến trong tháng 1/2018 sẽ xong nhánh hầm chui từ Vành đai 2 rẽ trái về càng Cát Lái và đến ngày 30/4/2018 sẽ xong nhánh cầu vượt từ cầu Phú Mỹ qua Vành đai 2 để đến 2020 khép kín đường Vành đai 2. Riêng trong năm 2018, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai và hoàn thành 22 dự án giao thông trọng điểm; trong đó có những dự án lớn như xây dựng cầu Nam Lý (quận 2, quận 9) với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 860 tỷ đồng; dự án cầu qua đảo Kim Cương, đoạn từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi đến đường Mai Chí Thọ với tổng vốn đầu tư gần 340 tỷ đồng. Dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2) ở huyện Nhà Bè có tổng vốn đầu tư hơn 410 tỷ đồng. Hay như dự án đường D1, kết nối Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam (quận 7) với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN