Dự án cầu vượt thép Gò Vấp có dạng chữ Y, bao gồm nhánh Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm và nhánh Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh, tổng mức đầu tư gần 406 tỷ đồng. Nhánh Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Oanh gồm 8 nhịp liên tục, dự kiến khởi công đầu tháng 4/2017, hoàn thành và thông xe ngày 2/9/2017.
Các đại biểu cắt băng thông xe. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Sau khi đưa vào khai thác nhánh cầu Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm, giao thông khu vực Ngã 6 Gò Vấp đã được cải thiện, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, dự báo tình trạng ùn ứ sẽ diễn ra nặng nề hơn tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng khi phương tiện được giải phóng nhánh tại Ngã 6 Gò Vấp sẽ tập trung tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng vì khoảng cách giữa 2 nút giao chỉ có khoảng 500 m.
Thông xe nhánh 1 Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Trước tình hình đó, theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 1/2017 sẽ khởi công cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực, đặc biệt là tuyến đường cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Thông xe nhánh 1 Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Trước đó, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 cũng tổ chức thi công dự án hầm chui An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn) với tổng vốn đầu tư hơn 514 tỷ đồng nhằm giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông tại nút giao giữa Quốc lộ 1 với Quốc lộ 22; tăng cường năng lực giao thông tuyến đường cửa ngõ thành phố hướng từ trung tâm thành phố về quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng như kết hợp với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22 (sẽ được triển khai trong thời gian tới) giúp kết nối giao thông thuận lợi hơn giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh cũng như giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia thông qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)./.