Đó là bệnh nhi Tạ Thị Ngọc Yến, sinh năm 2010, ngụ tỉnh Bình Phước nhập viện ngày 14/11 và Ngô Bùi Bảo Uyên, sinh năm 2016, ngụ tỉnh Đăk Nông nhập viện này 17/11. Cả hai bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài, tiêu chảy, thiếu máu xanh xao, lạnh run.
Bệnh nhi mắc sốt rét đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Chị Trần Xy Sành (mẹ bệnh nhi Ngọc Yến) cho biết, trước đó một tuần, bé bị sốt cao và đi khám bác sỹ ở địa phương được chẩn đoán là sốt siêu vi. Tuy nhiên, sau khi điều trị một tuần vẫn không bớt sốt nên gia đình đã chủ động đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám.
Còn trường hợp bé Ngô Bùi Bảo Uyên thì trước đó bé bị sốt, tiêu chảy kéo dài và cũng được chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng 2 sau khi điều trị không hiệu quả tại địa phương. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai bệnh nhi đều có mang ký sinh trùng sốt rét. Hiện hai bệnh nhi đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sỹ Lê Hải Lợi, giai đoạn đầu của bệnh sốt rét dễ nhầm với cảm sốt thông thường và chỉ có phết máu ngoại biên, soi dưới kính hiển vi mới tìm được ký sinh trùng sốt rét.
Sốt rét kéo dài có thể dẫn đến tử vong do thiếu máu nặng bởi ký sinh trùng sốt rét gây tán huyết. Do đó, bác sỹ Lợi lưu ý, người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành khi có biểu hiện sốt kéo dài cần nghĩ đến bệnh lý sốt rét và đi khám kết hợp xét nghiệm máu để được điều trị kịp thời.
Đây cũng là hai trường hợp trẻ em mắc sốt rét được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trong năm nay. Các bác sỹ cũng cho rằng, tỷ lệ trẻ em mắc sốt rét khá hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm do sức đề kháng của trẻ còn yếu.
Trước đó, như TTXVN đưa tin, có hai bệnh nhi đến từ tỉnh Đăk Nông cũng nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị do mắc sốt rét./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi