Thành phố Hồ Chí Minh phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu (Bài 3 và hết)

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu (Bài 3 và hết)
Bài 3: Thu hút mọi đối tượng thành lập doanh nghiệp

Hướng đến phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng là mục tiêu quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Vấn đề cần nhất lúc này là tập trung tháo gỡ những khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ thu hút mọi đối tượng thành lập doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, số doanh nghiệp chưa hoạt động hiện nay còn rất lớn, chiếm khoảng 41% trên tổng số doanh nghiệp  đăng ký thành lập. Nếu để tỷ lệ này lớn thêm sẽ có nhiều bất lợi cho  quản lý và cho nền kinh tế. Mục tiêu cần đặt ra làm giảm các doanh nghiệp  ngưng hoạt động nhằm đảm bảo quản lý số lượng doanh nghiệp  hiện hữu đều là những doanh nghiệp  đang hoạt động. Vì vậy, cần giải quyết dứt điểm những tồn tại để đối tượng liên quan tiếp tục thành lập doanh nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây tụt hạng, nguyên nhân chủ yếu là ở khâu thực thi chính sách, chi phí không chính thức, chỉ cần giải quyết “bài toán” này thì năng lực cạnh tranh sẽ tăng lên.
 
Trước hết, Thành phố cần có quan điểm khẩn trương xóa bỏ nhiều giấy phép con, cắt bỏ quy trình thủ tục không cần thiết nhằm nâng cao vai trò tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra chuyển biến căn bản công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chỉ ra những nơi còn “chi phí không chính thức” cao để xử lý.

TS Huỳnh Thanh Điền, Nhóm tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, chính sách Thành phố không thiếu nhưng các chính sách ban hành trong thời gian qua chưa có đầu mối triển khai, mỗi chính sách đều phân cho mỗi sở quản lý. Do đó, cần phải hướng chủ thể hưởng thụ vào chính sách cụ thể để họ tham gia.

Chính sách của thành phố đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi, phần còn lại là các hội và các tổ chức ươm tạo hỗ trợ doanh nghiệp cần phải kêu gọi doanh nghiệp vào và vận dụng chính sách. Mặt khác, thực hiện được hoạt động kinh doanh, ngoài nhu cầu vốn, doanh nghiệp phải chọn loại hình doanh nghiệp cho phù hợp. Mỗi mô hình kinh doanh đều có đặc thù tổ chức kinh doanh khác nhau, vì vậy, việc vận động hộ cá thể lên doanh nghiệp cũng cần phải xem đặc thù của từng hộ.
 
Hộ kinh doanh thường chỉ có những ý tưởng sản phẩm kinh doanh rất thông thường, kiếm đồng ra đồng vào, thì họ sẽ hoạt động ở môi trường có phạm vi hẹp, sử dụng ít lao động. Tuy nhiên, nếu ý tưởng sản phẩm sáng tạo bắt đầu nhỏ nhưng tiềm năng phát triển thị trường lớn và mức độ sử dụng lao động thay đổi theo quy mô thì cần phải vận động lên dạng doanh nghiệp nhằm thâm nhập các hệ thống phân phối, bảo vệ thương hiệu, kêu gọi đầu tư và phát triển lâu dài tốt.
 
Các chuyên gia cho rằng, với mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh không nên phát triển theo chiều rộng mà tập trung phát triển theo chiều sâu, tập trung đổi mới sáng tạo, sử dụng ít lao động mới là hướng đi đúng.
 
Để phát triển doanh nghiệp mới cả về số lượng lẫn chất lượng, theo TS Huỳnh Thanh Điền, cần tập trung vào hai nhóm chính sách khuyến khích thành lập và nuôi dưỡng doanh nghiệp. Thông thường một doanh nghiệp mới lập ra ban đầu nhỏ, trong số những doanh nghiệp mới thành lập này sẽ có doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
 
Để những doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập muốn hoạt động được phải gắn kết với doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối, những doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt chuỗi hoạt động của các doanh nghiệp này, có quan hệ khắng khít với nhau. Chính sách nuôi dưỡng phải là nguyên tắc xuyên suốt trong nền kinh tế, do đó cần phải có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn thể hiện vai trò dẫn dắt.

TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh, chính sách thì đủ nhưng quan trọng là hiệu quả của nó đi vào cuộc sống như thế nào. Vấn đề là cần làm gì để thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng như khuyến khích thành lập doanh nghiệp. Theo đó, xoay quanh việc hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thị trường, công nghệ, xúc tiến thương mại, lãi suất đầu tư, Thành phố cần chuẩn bị hạ tầng để kịp thời đón một làn sóng doanh nghiệp thành lập mới. Với con số 500.000 doanh nghiệp, Thành phố cần đầu tư hạ tầng rất lớn về phát triển hệ thống mạng lưới phân phối, hệ thống kho bãi, dịch vụ hỗ trợ, logistics, giao thông, viễn thông…
 
Cũng theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ngoài phát triển doanh nghiệp từ 2 nguồn chính là chuyển đổi các hộ kinh doanh sang loại hình doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cần tiếp cận dựa trên nền tảng liên kết vùng. Đặc biệt là liên kết vùng Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết doanh nghiệp với các tác nhân kinh doanh khác tạo ra sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long với tiềm năng, thế mạnh và vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, là “nguồn cung” mang tính quyết định cho thị trường nông sản Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời cũng là nguồn cung nhân lực quan trọng cho các cơ sở sản xuất của Thành phố. Bởi lẽ, thành lập doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là “khai sinh” ra một thực thể xã hội mà nó là điều kiện để pháp lý hóa các hoạt động kinh doanh dưới một loại hình, quy mô thường cao hơn, mang tính ổn định hơn so với hộ kinh doanh cá thể.
 
Xét ở góc độ kinh tế, việc doanh nghiệp lập nghiệp tác động vào môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giới hạn trong phạm vi của Thành phố mà còn tác động và chịu sự tác động mạnh mẽ từ “thị trường cung nguyên liệu, lao động”. Cho nên, việc tăng cường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Thành phố Hồ Chí Minh cần được xem là cơ sở, đồng thời cũng là giải pháp để phát triển doanh nghiệp về quy mô, số lượng cũng như hình thành một cộng đồng doanh nghiệp mạnh…
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm