Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng thêm 176 điểm bán thuốc bình ổn thị trường

Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng thêm 176 điểm bán thuốc bình ổn thị trường
Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2018 - 2019 do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm mới ký ban hành.
Nhà thuốc GPP tại bệnh viện quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
 Nhà thuốc GPP tại bệnh viện quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
 
Theo đó, Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm sẽ có 21 nhóm thuốc thiết yếu sản xuất trong nước với 176 hoạt chất, 531 mặt hàng đảm bảo chất lượng.

Chương trình năm nay cũng sẽ mở rộng thêm 176 điểm bán thuốc bình ổn, nâng tổng số điểm bán thuốc bình ổn lên 4.192 nhà thuốc; trong đó có 3.425 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 647 nhà thuốc, đại lý thuốc doanh nghiệp.
 
Số lượng thuốc bình ổn dự kiến chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng trong năm.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu, giá bán của các nhóm thuốc thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất là 5-10%.
 
Thuốc bình ổn là những loại thuốc trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều như thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau đạ đày, trị ho - hen phế quản, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh; kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất, thuốc dùng ngoài, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần…
 
Chương trình bình ổn thuốc được triển khai từ tháng 4/2018 đến 31/3/2019. Các loại thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO.

Lượng thuốc bình ổn này có khả năng cân đối cung cầu cho người dân Thành phố kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động giá thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu tăng cao.
 
Thuốc trong chương trình sẽ được phân phối đến người bệnh, đặc biệt người có thu nhập và điều kiện sống thấp, thường dễ mắc bệnh và có nhu cầu dùng thuốc nhiều./.
 Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm