Thành phố Hồ Chí Minh: Hợp tác công - tư trong phòng chống lao chưa mang lại hiệu quả

Thành phố Hồ Chí Minh: Hợp tác công - tư trong phòng chống lao chưa mang lại hiệu quả
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Hợp tác y tế công - tư trong chương trình chống lao Thành phố Hồ Chí Minh” do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 9/10.
Công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại một bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại một bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
 
Bác sỹ Trương Văn Vĩnh, thành viên Chương trình Chống lao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tổng số 10.854 cơ sở y tế công và tư tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay mới chỉ có 759 cơ sở tham gia chương trình chống lao. Ước tính trung bình hàng năm tổng số người nghi lao do cơ sở y tế công và tư phát hiện là 25.263 người, chiếm khoảng từ 16-19%  tổng số ca phát hiện lao mới.
 
Đặc biệt, các cơ sở y tế tư nhân phối hợp phòng chống lao đa số mới chỉ dừng lại ở bước 1 là chuyển gửi người bệnh nghi mắc lao đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Việc xét nghiệm, phát hiện bệnh và điều trị theo dõi gần như không có. Trong số 377 cơ sở y tế tư nhân tham gia phối hợp mới chỉ có Phòng khám đa khoa Bảo Việt thực hiện song hành việc chuyển gửi, xét nghiệm và điều trị theo dõi cho bệnh nhân mắc lao. Điều này cho thấy vấn đề quản lý điều trị lao ở các cơ sở y tế tư nhân đang bị bỏ ngỏ.
 
Phân tích nguyên nhân, bác sỹ Trương Văn Vĩnh cho rằng, nhân lực để triển khai, giám sát hoạt động này của Thành phố Hồ Chí Minh đang rất thiếu do kinh phí của chương trình hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế tư nhân không “mặn mà” tham gia chương trình do không được hỗ trợ chi phí.
 
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Chương trình phòng chống lao cần phải xem xét lại vấn đề này và có kế hoạch thẩm định các cơ sở y tế đủ điều kiện để đưa vào tham gia chương trình. Ông Hưng cũng lưu ý, khi vận động các cơ sở y tế tham gia, cần đưa ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên nhằm đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.
 
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh chỉ phát hiện được khoảng 70% tổng số người mắc lao trong cộng đồng. Do đó, để phát hiện 30% còn lại rất cần sự phối hợp của các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tư nhân.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện việc quản lý bệnh nhân lao trên phần mềm Vitimes; tiếp cận và mời các các đơn vị y tế tư nhân tham gia phối hợp phòng chống lao như: Bệnh viện FV, Bệnh viện Quốc tế Vũ Anh, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, Phòng khám đa khoa Nancy... Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố sẽ cơ bản chấm dứt bệnh lao./.
  Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm