Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
* Kinh tế tăng trưởng khá  Tổng kết tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 đã đánh giá: Kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1.023.926 tỷ đồng, tăng 8,05% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,72%), hoàn thành kế hoạch cả năm GRDP đạt 8% - 8,5%. Xuất khẩu tăng trưởng khá; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,33% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,85%); bốn ngành công nghiệp trọng yếu chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.  Một điểm sáng của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 là công tác thu ngân sách nhà nước đảm bảo dự toán giao. Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Thu ngân sách thực hiện 307.336 tỷ đồng, đạt 103,03% dự toán, tăng 12,43% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 190.778 tỷ đồng, đạt 107,42% dự toán, tăng 21,92% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 14.059 tỷ đồng, đạt 77,24% dự toán, giảm 38,83% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 102.500 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, tăng 9,16% so cùng kỳ. 
Sản xuất bóng đèn led theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Sản xuất bóng đèn led theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Để có các chỉ số ấn tượng trên, theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã tổ chức các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại - đầu tư mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể    như tổ chức 23 chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại Thành phố, tham gia và tổ chức 10 hoạt động hợp tác với các tỉnh,thành cả nước, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định, có thêm nhiều cơ hội phát triển thương hiệu sản xuất ở thị trường trong và ngoài nước, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh tế phát triển; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, tìm hiểu thị hiếu đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển xuất khẩu tại chỗ. Mặt khác, tổ chức 10 chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp là trung tâm của mọi hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội quảng bá sản phẩm và thị trường xuất khẩu, kêu gọi nguồn vốn đầu tư vào Thành phố...  Trong năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 310.500 tỷ đồng, chiếm 30% GRDP. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư từ vốn ngân sách thành phố tập trung xây dựng mới cũng như cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội của thành phố. Tất cả các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đều đáp ứng được mục tiêu và hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình giao thông, thoát nước đô thị, giáo dục, y tế… Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy được tác dụng tích cực, giải quyết được các nhu cầu về dân sinh, xã hội. Trong năm 2016 đã hoàn thành    và đưa vào sử dụng 111 công trình với tổng mức đầu tư là 19.815 tỷ đồng, góp phần giải quyết nhu cầu dân sinh. Bên cạnh vốn ngân sách, Thành phố mời gọi thành công các nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công tư 20 dự án, tổng mức đầu tư 67.223 tỷ đồng, thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường. Tình hình đầu tư trong nước có chuyển biến tích cực, có 36.000 doanh nghiệp thành lập mới, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung đạt 496.571 tỷ đồng, tăng 35,8% so cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài tiếp tục có chiều hướng phát triển tốt, đạt 3,7 tỷ USD.  
Sản xuất bóng đèn led theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Sản xuất bóng đèn led theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, Thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: An Hiếu - TTXVN

* Công tác an sinh xã hội đảm bảo 
 
Các nguồn lực xã hội được huy động một cách hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo cho đối tượng chính sách có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em… trên địa bàn. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, miễn giảm học phí cho học sinh nghèo… đã góp phần kéo giảm 20.000 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 1%.   Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao, tính đến nay có 209 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, bậc học. Chương trình kiên cố hóa trường lớp cơ bản hoàn thành ở 24 quận huyện, đạt 257 phòng học/10.000 dân (trong độ tuổi từ 3 đến 8 tuổi), số phòng học đưa vào sử dụng nhân khai giảng năm học mới 2016 - 2017 từ nguồn ngân sách nhà nước 1.930 phòng học. Đã khởi công 77/86 dự án (1.076 phòng học) với tổng mức đầu tư 3.048 tỷ đồng, phục vụ giáo dục mầm non; đưa vào sử dụng 10 dự án trường mầm non phục vụ 3.190 trẻ, con công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.  Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, tạo mới hơn 130.000 chỗ. Đã giải quyết việc làm cho khoảng 311.135 lượt người (đạt 115,23% kế hoạch năm), số việc làm mới tạo ra 130.109 chỗ (đạt 104% kế hoạch năm). Bên cạnh giải quyết việc làm trong nước, dự ước số lao động được giải quyết việc làm thông qua hoạt động xuất khẩu lao động 14.048 người.   Kết thúc năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản cấp nước sạch đạt 100%, tương đương 1.900.772 hộ dân (năm 2015 đạt tỷ lệ 87,97% tương ứng khoảng 1.672.107 hộ dân thành phố); chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt bình quân đầu người đạt 141 lít/người/ngày. Năm qua, Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở từng quận – huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để những hộ dân dù trong hoàn cảnh địa bàn khó khăn nhất vẫn có thể được tiếp cận, cung cấp nước sạch.  * Duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội  Nhìn nhận những mặt còn hạn chế của nền kinh tế thành phố, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ: Môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của kinh tế thành phố chưa đạt yêu cầu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Ứng dụng khoa học - công nghệ chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều nguồn lực xã hội trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng vào đầu tư để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm; chưa khai thác hết tiềm năng du lịch thành phố. Tiến độ triển khai một số dự án còn chậm; ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cải cách thủ tục hành chính chưa đồng bộ.  Nhận định một số khó khăn trong năm tới, ông Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh: Nguồn thu ngân sách nhà nước trong năm 2017 được dự báo sẽ bị ảnh hưởng do việc thực hiện miễn giảm các loại thuế theo lộ trình hội nhập quốc tế đã cam kết. Trong khi đó chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao năm 2017 là 347.882 tỷ đồng, tăng 15,79% so dự toán năm 2016 và tăng 12,95% so ước thực hiện năm 2016. Cùng với việc tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 giảm còn 18%, ảnh hưởng đến khả năng cân đối của ngân sách Thành phố.   Trước tình hính đó, Thành phố tập trung thực hiện các giải pháp, nỗ lực, cố gắng đảm bảo kế hoạch đầu tư cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề cấp bách về hạ tầng, ngập nước, chỉnh trang đô thị đồng thời với việc chăm lo an sinh xã hội, thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2017.  Ông Đinh La Thăng, cho biết: Thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư thật sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố; thường xuyên bám sát cơ sở, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn; tăng cường thông tin để doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách của thành phố; hỗ trợ, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.  Theo ông Đinh La Thăng, xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể cơ cấu lại ngân sách nhà nước phù hợp với thực tiễn thành phố, đảm bảo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công, đa dạng hóa và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển. Đảm bảo yêu cầu tập trung nguồn vốn đầu tư thực hiện 7 chương trình đột phá, các công trình trọng điểm có sức lan tỏa và giải quyết các vấn đề phát triển, vấn đề cấp bách của thành phố. Về một số vấn đề cấp bách như ùn tắc giao thông, ngập nước, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2017 Thành phố khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết để sớm khởi công mới dự án giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cảng Cát Lái, giải quyết các điểm ngập trọng yếu (đường Ngô Gia Tự đoạn từ Ngã Bảy đến Nguyễn Tri Phương, đường Trần Nhân Tôn đoạn từ Hòa Hảo đến An Dương Vương, kênh Hiệp Tân, cống Mương Lệ, cải tạo mương Nhật Bản nhằm giải quyết ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất …). Đồng thời, hoàn thành dứt điểm trong năm 2017 việc xây dựng cầu Kênh Lộ, cải tạo kênh Ba Bò,… bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện huyện Bình Chánh (giai đoạn 1), bệnh viện quận Gò Vấp. “Năm 2017, Thành phố sẽ triển khai 80 dự án giao thông với số vốn lên hơn 39.200 tỷ đồng. Hiện thành phố đã xác định được cụ thể nguồn vốn để đầu tư cho các dự án này", ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm.   Cùng với các giải pháp cụ thể trên, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức... ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm phiền hà nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, tiến tới xây dựng đô thị thông minh./.

Có thể bạn quan tâm