Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh:

Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới, nâng cao chất lượng, phong trào thi đua

Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới, nâng cao chất lượng, phong trào thi đua
Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật Thi đua, Khen thưởng (năm 2003) là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện pháp luật về thi đua khen thưởng; giúp việc xem xét, đề nghị khen thưởng thuận lợi hơn, công khai minh bạch hơn. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố có kế hoạch thi đua hàng năm. Các phong trào thi đua được phát động phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị và từng giai đoạn phát triển, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị;  qua đó, xây dựng được các những điển hình tiên tiến ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi ngành. 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng Bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Theo thanhuytphcm.vn
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng Bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Theo thanhuytphcm.vn

Công tác xét khen thưởng đã đi vào nề nếp, có tiêu chí điều kiện xét khen rõ ràng, khen đúng người đúng việc, đặc biệt các chính sách khen thưởng đối với diện chính sách, người có công được giải quyết kịp thời.

Đến nay, việc khen thưởng các đối tượng có thành tích trong hai cuộc kháng chiến và xét tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đã cơ bản hoàn thành. Khen thưởng cho đối tượng có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo đúng tiêu chuẩn, công khai, chính xác và kịp thời. Tỷ lệ khen thưởng cho công nhân, người lao động trực tiếp ngày càng tăng cao, chiếm 88% số lượng cá nhân được khen thưởng (năm 2016)...
 
Bên cạnh những tác động tích cực, quá trình thực thi Luật Thi đua, Khen thưởng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo ông Huỳnh Công Hùng, giữa Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn chưa có sự thống nhất, còn chồng chéo giữa các bộ, ngành gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị thực hiện. Luật Thi đua, Khen thưởng cũng chưa có định nghĩa cụ thể về người lao động trực tiếp, tập thể nhỏ để thống nhất thực hiện; tiêu chuẩn khen thưởng đối với người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân, chiến sỹ... chưa phù hợp với thực tiễn, khó đánh giá.

Quy trình đăng ký thi đua và xét khen thưởng cho các hộ kinh doanh cá thể, các tiểu thương, hệ thống doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu, dẫn đến số lượng và tỷ lệ các thành phần kinh tế tư nhân đăng ký thi đua còn rất thấp. Thêm vào đó, nguyên tắc chung về thẩm quyền khen thưởng theo Luật đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay, việc quy định phải lấy ý kiến hiệp y khiến quy trình làm hồ sơ khen thưởng còn rườm rà, tốn thời gian...
 
Từ thực tế đó, Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương xem xét thay thế Luật thi dua, khen thưởng và các chính sách về thi đua khen thưởng cho phù hợp với tình hình thực tiễn và điều kiện phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Luật mới cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng, bổ sung các tiêu chuẩn khen thưởng cho công nhân, nông dân; cá nhân, tập thể thuộc thành phần kinh tế tư nhân... để khuyến khích đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua, xây dựng và phát triển thành phố nói riêng, phát triển đất nước nói chung.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao các kết quả mà Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong việc thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng trong những năm qua.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc tổ chức các phong trào thi đua thiết thực như “Giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến”, “Cả Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng Thành phố đổi mới sáng tạo”...

Bên cạnh đó, công tác khen thưởng cũng được thành phố thực hiện hiệu quả, chính xác, khách quan; có nhiều hình thức tôn vinh, khen thưởng thiết thực như tôn vinh những tấm gương thầm lặng mà cao cả, chú trọng khen thưởng đối với người lao động trực tiếp, qua đó khuyến khích người lao động tích cực thi đua sản xuất đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng tổ chức các phong trào thi đua; nâng cao chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua, đảm bảo công tác khen thưởng công bằng, minh bạch. Đồng thời, sớm tập hợp những khó khăn, bất cập trong Luật Thi đua, Khen thưởng và những kiến nghị sửa đổi lên Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương để kịp thời xem xét, thay thế Luật cho phù hợp với thực tế.
 
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của các phong trào thi đua đang thực hiện; triển khai các phong trào thi đua mới nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, Thành phố tập trung triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm như “Cả Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, phong trào “Giảm nghèo bền vững”, phong trào “Thanh niên Thành phố khởi nghiệp, lập nghiệp”...
 
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước (11/6/1948 – 11/6/2018); đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố xây dựng tốt kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng bằng các phong trào, công trình thi đua cụ thể, thiết thực, đem lại hiệu quả cao./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm