Theo Cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Sở chấm dứt hoạt động đối với các bến thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức gồm bến Sông Đà, Chí Hiếu; khu vực huyện Nhà Bè có bến Hiệp Thành Công (xã Hiệp Phước), Lê Thị Ánh (thị trấn Nhà Bè), Tân Phú Thịnh (xã Long Thới), Phú Thạnh (xã Phú Xuân); Trường Sơn (phường Thảo Điền, Quận 2)…
Hàng loạt bến thủy nội địa sẽ bị đình chỉ hoạt động Ảnh: http://www.sggp.org.vn |
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có Quyết định, chủ các bến có trách nhiệm thanh thải biển báo hiệu, bích neo, chướng ngại vật (nếu có) trong phạm vi sử dụng vùng nước trước bến. Đồng thời, tất cả các bến trên bị xóa tên bến trong danh mục cảng, bến thủy nội địa lưu giữ tại bộ phận quản lý cảng, bến thủy nội địa của Sở Giao thông vận tải.
Theo Phòng Quản lý giao thông đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn thành phố có 350 cảng, bến thủy nội địa đã được cấp giấy phép hoạt động và 48 bến hoạt động trái phép. Các bến này hoạt động không xin phép hoặc xin phép nhưng không đủ điều kiện theo quy định, chủ yếu là các bến “chui” về thi công công trình.
Thông tư 50 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, quy định việc cấp phép bến thủy nội địa phải có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hoặc báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng được duyệt và phải nằm trong quy hoạch bến cảng thủy.
Liên quan đến vấn đề xử lý các bến thủy nội địa hoạt động trái phép, lãnh đạo Phòng Quản lý giao thông đường thủy cho hay, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao công an Thành phố chủ trì, phối hợp Thanh tra giao thông, Ban an toàn giao thông các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các bến không giấy phép này như: xử phạt hành chính, tịch thu phương tiện…
Tuy nhiên, các bến hoạt động không giấy phép luôn có cách đối phó khi có đoàn kiểm tra sẽ ngưng hoạt động. Mức xử phạt các vi phạm vẫn thấp, chưa đủ sức răn đe./.
Hoàng Hải
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN