Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung trao đổi về các nội dung liên quan đến giải pháp xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị phát triển bền vững; tạo dấu ấn đặc trưng của Thành phố gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn; phát huy vai trò của các sở ngành, người dân Thành phố trong công tác tham mưu, giám sát công tác quy hoạch, quản lý đô thị…
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Giáo sư, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, để tương xứng với vai trò, vị thế Thành phố Hồ Chí Minh và tầm nhìn trở thành một trong các đô thị hàng đầu trong khu vực và quốc tế, đô thị sống tốt trong bối cảnh phát triển cạnh tranh mạnh mẽ của các đô thị lớn trong khu vực, cần quan tâm mở rộng không gian đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, bởi nó đã trở nên dồn nén, chật hẹp … không đủ điều kiện để phát triển một cách năng động, hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, Giáo sư, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, cho rằng: Mô hình phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đa trung tâm gắn với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, đảm bảo việc đi lại thuận tiện, an toàn, văn minh cho người dân trong thành phố và vùng lân cận. Ở góc độ quản lý, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nêu rõ: Một vấn đề quan trong quản lý đô thị nước ta hiện nay là nhận thức đầy đủ vai trò của quản lý chuyên ngành, đặc biệt như quản lý kiến trúc - cảnh quan, quản lý công trình, quản lý đất đai, môi trường đô thị... Khắc phục tình trạng can thiệp hành chính không đáng có làm hạn chế sự sáng tạo của các chuyên gia, nhà quản lý trên những vấn đề mang tính chuyên ngành của quản lý đô thị.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn cho rằng, cần tạo ra các thiết chế quản lý chuyên ngành ở Thành phố đủ thẩm quyền, có tính độc lập tương đối với quản lý hành chính, để thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm đối với các vấn đề chuyên ngành. Mặt khác, muốn nâng cao quản lý chuyên ngành phải đào tạo, trọng dụng các chuyên gia giỏi của các lĩnh vực quản lý đô thị, trao quyền đầy đủ cho họ gắn với xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gợi mở: Cần phải có quy hoạch trung tâm và có quy hoạch khu vực vệ tinh. Quy hoạch cần gắn chặt với vấn đề giao thông. Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị, từ thực tiễn, phân tích những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để có giải pháp cụ thể phát triển Thành phố theo hướng nào? Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cần giải quyết mâu thuẫn của bài toán dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật của Thành phố không đáp ứng được. Tính bình quân 15 năm trở lại đây, cứ 5 năm, dân số Thành phố tăng thêm 1 triệu người. Như vậy, tới năm 2035, dân số thường xuyên của Thành phố khoảng 13,5 triệu, chưa kể dân vãng lai. Với số dân tăng nhanh, hạ tầng không thể đáp ứng được. Mô hình quản lý hành chính của Thành phố cần xem xét lại để vận hành hợp lý, hiệu quả hơn. Hiện có sự chênh lệch đáng kể về dân số và diện tích giữa các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Nếu so sánh về diện tích, giữa Cần Giờ và một số quận nội thành chênh nhau tới 140 lần, trong khi dân số Cần Giờ ít hơn các quận kia 8,7 lần. Điều này cho thấy sự phân hóa cực kỳ lớn. Tính riêng 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ chiếm khoảng 54% diện tích của Thành phố song dân số chỉ chiếm 10% - Bí thư Thành ủy nói. Kết luận hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Quản lý đô thị là vấn đề đặt biệt quan trọng phát triển, phát huy sức mạnh của các đô thị, nhất là đô thị đầu tàu. Hiện nay, dòng di cơ từ nông thôn về đô thị diễn ra nhanh. Do đó, sức ép đô thị, dịch vụ đô thị quá tải tăng lên rất lớn. Để giải quyết những vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch; có quy hoạch không gian kiến trúc chiến lược gắn chặt chẽ với không gian vùng. Không gian quy hoạch kiến trúc Thành phố phải gắn với không gian kiến trúc của vùng. Mặt khác, Thành phố cần đổi mới và xây dựng mô hình quản lý kết nối tương tác giữa các sở, ngành với quận, huyện. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ; đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, xây dựng nếp sống thị dân. Đồng thời, để thực hiện các định hướng giải pháp, cần phải đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản lý đô thị, giải quyết mối quan hệ Trung ương, vùng và Thành phố Hồ Chí Minh./.
Anh Tuấn
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN