Thanh Hóa phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu

Thanh Hóa phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu

Xác định chè là một trong những cây trồng truyền thống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân vùng cao.

Có truyền thống trồng chè đến nay cũng hơn 20 năm, hiện nay, gia đình bà Đinh Thị Chi, thôn Thanh Vân, xã Cát Tân có khoảng 23 sào chè đang được trồng và cho thu hoạch hàng năm. Nhờ vào cây trồng này, gia đình bà Chi đã thoát nghèo, mỗi năm cho thu nhập đều hàng trăm triệu đồng và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Thanh Hóa phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu ảnh 1 Người dân hái chè. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Chia sẻ về con đường thoát nghèo nhờ trồng chè, bà Thu cho biết, trước đây, diện tích đất vườn đồi của gia đình chủ yếu trồng sắn, keo, hiệu quả kinh tế thấp. Nhận thấy cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, gia đình bà đã mạnh dạn chuyển đổi dần những diện tích đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè tập trung. Nhờ có kinh nghiệm thâm canh cây chè và được tập huấn các biện pháp kỹ thuật, diện tích chè của gia đình đều sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao.

Theo bà Thu, quy trình cho ra sản phẩm chè khô Thanh Vân khá cầu kỳ và qua nhiều công đoạn. Thông thường, người dân hái chè vào buổi sáng và sao chè trong ngày để đảm bảo chất lượng. Khi hái chè, bà con thường hái những búp xanh non, gọi là "1 tôm 2 tép" ( gồm 1 búp và hai lá non).

Chè sau khi hái vè sẽ được phơi cho ráo sương sau đó đưa vào sao. Mỗi công đoạn có thời gian và nhiệt độ khác nhau. Riêng công đoạn sao chè phải được lặp lại 3 lần để đảm bảo được độ khô, giòn của cánh chè. Sau khi sao 3 lần sẽ đến công đoạn cuối cùng là lấy hương. Lúc này, chè được đưa vào máy sao ở nhiệt độ từ 100 - 120 độ C trong khoảng 3 phút sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện.

Được biết, trên địa bàn xã Cát Tân hiện có 106 hộ tham gia trồng chè với diện tích gần 33ha… Năm 2022, để tạo điều kiện cho các hộ tham gia trồng chè trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xã Cát Tân đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân. Sau khi thành lập, hợp tác xã đã được Tổ chức tầm nhìn Thế giới hỗ trợ 2 máy sao và 3 máy vò chè, vì vậy việc sản xuất chè của bà con thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân cho biết, người dân xã Cát Tân có truyền thống trồng chè mấy chục năm nay, tuy nhiên trước đây tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, diện tích sản xuất phân tán nhỏ lẻ; việc trồng, chăm sóc, thu hái, chưa đúng quy trình kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Hợp tác xã ra đời đã làm tốt việc liên kết, tìm kiếm đầu ra ổn định cho bà con, nhờ đó, năng suất, chất lượng và giá thành cũng được cải thiện. Năm 2023, sản phẩm chè Thanh Vân đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo bà Hoàng Thị Lương, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, huyện Như Xuân, cây chè là một trong những cây trồng chủ lực góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hàng năm. Với mong muốn đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, xã đã tiến hành vận động cán bộ, người dân trong xã tự giác chuyển đổi cơ cấu cây trồng không có giá trị kinh tế sang trồng chè cao sản. Địa phương phấn đấu, hàng năm phát triển thêm khoảng 5ha chè…

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Như Xuân, hiện trên địa bàn có 152,4 ha chè; trong đó, diện tích trồng chè búp là 32,4 ha, diện tích trồng chè xanh (chè tươi) là 120 ha. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Cát Tân, Cát Vân, Hóa Qùy, Bình Lương và Thị trấn Yên Cát. Diện tích chè liên kết theo đề án đã trồng được 24,8 ha, tập trung tại các xã: Cát Vân, Cát Tân. Giống chè được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện hiện nay là giống chè trung du lá nhỏ. Các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với chế biến như chè Kim Tuyên, PH8, PH9... mới được người dân đầu tư trồng trong 2 năm trở lại đây (tại xã Cát Tân, Cát Vân).

Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân cho biết, huyện đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chè nguyên liệu giai đoạn 2021-2025; theo đó, hỗ trợ 25 triệu đồng/ha cho diện tích trồng mới tập trung từ 0,5 ha trở lên; thành lập 2 tổ công tác, phân công cụ thể cho các thành viên hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực hiện phát triển vùng nguyên liệu chè.

Huyện ký văn bản thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè Phú Thọ, Công ty cổ phần Chè Phương Đông về chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống. Hiện sản phẩm chè Thanh Vân (Cát Tân) đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, hướng đến nâng cao chất lượng chè trên thị trường.

Khiếu Tư - Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm