Tại tỉnh Thái Nguyên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, mang tính bền vững. Trong năm qua, cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp, tạo diện mạo khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, đưa kinh tế nông thôn tăng trưởng nhanh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển, nâng cao giá trị gia tăng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2024, tỉnh có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới hiện đang trình cấp Trung ương công nhận và 1 huyện đang thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới; 115/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 39/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, năm qua, cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được các cấp địa phương quan tâm đầu tư, xây dựng. Toàn tỉnh đã cải tạo và nâng cấp trên 380 km đường giao thông nông thôn; 25 km kênh mương các loại và trên 30 công trình thủy lợi; 237 công trình trường học, phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ; 22 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 168 nhà văn hóa và khu thể thao xóm...
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đến hết tháng 12/2024, tỉnh có 309 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Sản phẩm OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn; trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn, từng bước chuyển đổi sang sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp...
Ngoài ra, công tác phát triển ngành nghề nông thôn, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, du lịch cộng đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngày càng được quan tâm, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Hiện tại, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động ngành, nghề nông thôn khoảng trên 13.400 cơ sở, doanh thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt khoảng trên 1.100 tỷ đồng. Số lao động ngành, nghề nông thôn khoảng trên 29.800 người, thu nhập bình quân đạt 54 triệu đồng/người/năm.
Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2025 tỉnh tiếp tục phấn đấu giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh phấn đấu 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ 40% trở lên; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ 10% trở lên; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo thực hiện theo nhóm huyện, xã. Cụ thể, với cấp huyện, các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các xã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí, đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình “hộ gia đình nông thôn mới”, “xóm nông thôn mới kiểu mẫu”, “vườn mẫu”. Lấy mô hình xây dựng “xóm nông thôn mới kiểu mẫu” làm hạt nhân, chỉ đạo, nhân rộng…, xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Các huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thiết yếu theo tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; tăng cường đảm bảo môi trường, an sinh xã hội gắn với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các địa phương phát triển các vùng sản xuất nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ; quan tâm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu.
Đối với cấp xã, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tổ chức rà soát, đánh giá lại theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các xã có giải pháp cụ thể đối với từng tiêu chí nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí thuộc về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân như thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, các xã chú trọng nâng cao chất lượng các mô hình hộ gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, lấy xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu làm hạt nhân để trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn.
Với các xã còn lại, tỉnh yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí, xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện, ưu tiên thực hiện các tiêu chí cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; sử dụng, huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, tập trung chỉ đạo để đạt các chỉ tiêu, tiêu chí theo kế hoạch, lộ trình đề ra.
Trần Trang