Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia

Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia

Năm nay, tổng nguồn vốn thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là hơn 870 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 32,4 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 570 tỷ đồng và vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên 272 tỷ đồng.

Qua khảo sát mới đây của tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1 Một góc vùng sản xuất chè an toàn xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, một số bộ, ngành vẫn chưa công bố chỉ tiêu và ban hành văn bản hướng dẫn về bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, Thái Nguyên chưa ban hành được bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu, tiêu chí do các bộ, ngành tham mưu trừu tượng, thiếu thực tế, khó thực hiện như tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn, tỷ lệ đường huyện được trồng cây xanh dọc theo tuyến đường... Thêm vào đó, bộ máy quản lý, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp chưa đồng bộ, thống nhất, cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, cấp xã không có cán bộ chuyên trách, một số sở, ngành không bố trí cán bộ theo dõi chương trình hoặc thường xuyên thay đổi.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay, một số thông tư hướng dẫn xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của các dự án, tiểu dự án giai đoạn 2021 - 2025 thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành hoặc chưa có hiệu lực nên các địa phương tổ chức thực hiện rất khó khăn...

Trước thực tế này, tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ nguồn lực cho huyện Định Hóa về đích nông thôn mới vào năm 2023; đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm công bố chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, ban hành đầy đủ, thống nhất các văn bản triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo chức năng quản lý nhà nước...

Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2Hơn 90% được trục xóm ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương đã được bê tông hóa. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh khẩn trương tham mưu UBND, HDND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách như: quy định hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hành trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn; cơ chế huy động các nguồn lực...

Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thái Nguyên tập trung vào các nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ nghèo đa chiều cao.

Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua "Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thông mới giai đoạn 2021 - 2025" đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP.

Riêng với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thái Nguyên hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý, cơ chế phối hợp và giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chương trình; huy động tối đa các nguồn vốn, đẩy mạnh liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện chương trình...

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm