Thu hái chè tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Theo đề án "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2019 - 2015, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP, nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án, dự án sản xuất kinh doanh, tổ chức phát triển sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống trung tâm bán hàng, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm tại các khu du lịch, khu dân cư, siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính cấp tỉnh và huyện... Thái Nguyên cũng xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện đề án OCOP; trong đó, có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí về đào tạo, tập huấn chương trình OCOP, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất theo quy định, hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các mô hình mẫu làng, bản văn hóa du lịch... Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án OCOP của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025 là hơn 700 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh hơn 70 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã hơn 60 tỷ đồng, vốn lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình trên 240 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hơn 360 tỷ đồng... Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, việc xây dựng OCOP góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình khi đi vào thực tế có ý nghĩa tích cực trong thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn, tiêu chuẩn hoá sản phẩm OCOP còn làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm từ 20% trở lên... Qua kết quả điều tra, rà soát của các địa phương trong tỉnh, Thái Nguyên hiện có 184 sản phẩm thuộc nhóm nông sản tươi sống và nông sản chế biến, thực phẩm, đồ uống, thảo dược... có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Hiện tại một số hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã đăng ký các sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh như miến dong của hợp tác xã miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ), rau an toàn của hợp tác xã rau an toàn Hùng Sơn và hợp tác xã rau an toàn xã Bình Thuận (huyện Đại Từ), tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình), gạo Bao Thai Định Hóa của các hợp tác xã trồng lúa thuộc huyện Định Hóa...
Hoàng Thảo Nguyên